Muôn kiểu chống bão Wipha độc đáo được người dân mách nhau trên mạng
Trước giờ bão Wipha đổ bộ, mạng xã hội lan tỏa nhiều biện pháp chống bão độc đáo của dân miền biển như bơm nước vào túi nylon, giữ mái tôn bằng lốp xe, thùng xốp...
Khi thông tin bão Wipha có khả năng đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được phát đi, người dân tại các tỉnh ven biển liền khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ qua hình ảnh và clip kinh nghiệm "chống bão theo cách của mình". Bên cạnh các giải pháp truyền thống là những ý tưởng đơn giản mà độc đáo, sáng tạo khiến cộng đồng bất ngờ, thán phục.
Trong các biện pháp chống bão truyền thống, dùng bao tải cát để gia cố mái tôn và khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi gió lớn là cách làm quen thuộc với người dân nhiều địa phương ven biển. Khi có thông tin bão số 3, các gia đình trong vùng có khả năng chịu ảnh hưởng nhanh chóng chuẩn bị loạt bao tải nhỏ, đổ đầy cát rồi đặt lên mái nhà, nhất là ở tại điểm nối, mép mái hoặc khu vực có nguy cơ bị tốc mái.

Trọng lượng của các bao cát giúp giữ chặt tấm tôn, giảm nguy cơ gió giật cuốn bay mái. (Ảnh chụp màn hình)
Một giải pháp gây chú ý khác là bơm đầy nước vào các túi nylon lớn rồi đặt lên mái nhà để tăng trọng lượng, tránh mái tôn bị gió thổi bay. Biện pháp này không tốn kém, tận dụng được vật liệu sẵn có và được áp dụng khá phổ biến ở nông thôn. Nhiều người bình luận rằng cách này đã giúp giữ mái nhà an toàn qua nhiều trận bão lớn.
Theo anh Tuấn Lý (phường An Dương, thành phố Hải Phòng), cách làm này đơn giản, thậm chí "nghe có vẻ nghiệp dư" nhưng lại cho hiệu quả đáng kể trong việc giữ mái tôn không bị gió lớn thổi bay. Những túi nylon dày, kích thước lớn – thường dùng để đựng nước sinh hoạt hoặc trữ nước mưa – sẽ được đổ đầy nước, sau đó đặt rải đều trên các vị trí trọng yếu của mái tôn. Trọng lượng của nước giúp tạo áp lực xuống phần mái, khiến các tấm tôn bám chặt hơn vào khung nhà, hạn chế nguy cơ bị tốc mái khi gió giật mạnh.
Phương pháp chống bão đơn giản nhất mà nhiều người đang áp dụng: Bơm nước vào túi nylon để trên mái. (Nguồn: @xemaytuanly)
Nhiều hộ dân chọn cách bơm nước vào các thùng xốp rồi đặt lên mái nhà như một biện pháp gia cố tạm thời nhưng hiệu quả trước bão lớn. Đây được xem là một biến tấu sáng tạo, tận dụng vật liệu sẵn có tại nhiều vùng nông thôn, ven biển.
Anh Đức Bảng (xã Giao Phúc, tỉnh Ninh Bình) cho biết, gia đình anh kinh doanh hải sản nên rất sẵn thùng xốp; mỗi thùng chứa nước nặng khoảng 20kg. Anh đặt chúng lên các điểm dễ bị gió cuốn như mép mái, rìa tôn, nơi nối giữa các tấm lợp.
So với túi nylon, thùng xốp có kết cấu vững hơn, ít nguy cơ rò rỉ hoặc vỡ khi gặp mảnh vỡ bay trong gió bão. Bên cạnh đó, việc xếp chồng các thùng xốp cũng dễ thao tác hơn, đặc biệt với những mái nhà bằng phẳng hoặc mái bằng tôn lượn sóng.
Anh Bảng dùng thùng xốp chứa nước để giữ mái nhà chống bão. (Nguồn: @duc_bang_vlogs)
Thay vì sử dụng bao cát hay túi nylon chứa nước, anh Xuân Thắng (Quảng Ninh) chọn phương án cố định mái tôn chắc chắn hơn. Trong video mà anh chia sẻ, hai thanh sắt dài được đặt song song theo chiều dọc mái, sau đó bắn vít cố định để kẹp chặt các tấm tôn nằm giữa. Phía hai đầu thanh, anh dùng dây cáp luồn qua rồi siết căng bằng tăng đơ, cuối cùng neo chặt hệ thống xuống nền đất.
Theo anh Thắng, chèn mái bằng bao cát hay túi nước chỉ là giải pháp tình thế và có thể phát sinh rủi ro trong gió lớn: “Bao cát bị gió đánh bật có thể rơi xuống đường gây nguy hiểm, túi nước thì dễ vỡ, nhất là khi gặp va đập". Chính vì vậy, anh ưu tiên phương pháp dùng thanh sắt để gia cố trực tiếp cả trên lẫn dưới, tạo lực ép cố định mái tôn mà vẫn đảm bảo an toàn và bền vững.
Anh Thắng đặt hai thanh sắt dài chạy song song theo chiều dài mái, bắn vít cố định. (Nguồn: @autoxuanthang)
Một trong những cách chống bão khiến dân mạng bất ngờ nhất là giải pháp của anh Hưng (sống tại đặc khu Cô Tô, Quảng Ninh): Dùng gầu máy xúc để giữ mái nhà. Clip đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội cho thấy anh dùng máy xúc loại nhỏ, điều khiển cho phần gầu đặt hẳn lên nóc nhà. Gầu máy nặng hàng trăm cân, tạo lực đè lớn, giúp giữ chặt mái tôn, đặc biệt ở những khu vực rìa dễ bị gió giật bật lên.
Một số người cho rằng cách này có phần “bất thường” và mạo hiểm, nhiều người khác bình luận đây là minh chứng điển hình của tinh thần "có gì dùng nấy", sáng tạo trong hoàn cảnh cấp bách.
Gia đình anh Hưng đưa cả gầu máy xúc lên mái nhà để giữ mái. (Nguồn: @chautaucaocap)
Khi bão Wipha còn di chuyển ngoài biển xa, không khí chống bão tại xưởng sửa chữa ô tô của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà (xã Thanh Miện, TP Hải Phòng) đã rất khẩn trương. Hàng chục công nhân vận chuyển lốp xe tải cũ, lốp container nặng hàng chục cân lên mái tôn rộng hàng trăm mét vuông.
Không chỉ có lốp, những túi nylon cỡ lớn chứa đầy nước cũng được họ đưa lên theo mái, xếp xen kẽ nhau để tạo thành hệ thống dằn mái chắc chắn. Mỗi người một việc, người chuyền lốp, người buộc dây, người kiểm tra độ phân bố trọng lượng, tất cả đều gấp rút hoàn thành trước khi mưa gió ập đến.
Gia đình chị Hà sử dụng lốp xe nặng kết hợp với túi nước để giữ mái. (Nguồn: @HaKhang8386)
Một gia đình ở Hải Phòng áp dụng biện pháp chống bão đặc biệt: Dùng dây thừng cố định mái tôn với… một chiếc xe tải nặng hàng chục tấn. Chiếc xe tải trở thành "mỏ neo" đúng nghĩa, giúp tạo lực giữ ổn định cho hệ thống mái che vừa mới dựng xong.
Thay vì sử dụng bao cát hay vật nặng đặt lên mái, vốn dễ bị gió đánh bật hoặc gây nguy hiểm khi rơi, thì cách làm này tận dụng luôn khối lượng lớn và độ vững chắc của xe tải.

Gia đình Hải Phòng dùng dây thừng cố định xe tải với mái tôn. (Ảnh: Page Hải Phòng)
Bên cạnh đó, người dân còn hướng dẫn nhau buộc chằng chéo cửa chính, cửa sổ, che chắn lỗ thông gió bằng bạt hoặc nylon. Nhiều người quay video hướng dẫn chi tiết cách gia cố nhà cửa để người dân nơi bão chưa đến kịp thời chuẩn bị.
Tại các khu nhà mặt phố, đặc biệt là những căn có mặt tiền bằng kính cường lực, người dân sử dụng băng keo dán chéo hình chữ X hoặc hình lưới lên toàn bộ bề mặt kính để giảm áp lực tác động và hạn chế mảnh vỡ văng ra nếu kính bị nứt, vỡ trong bão. Một số gia đình chèn thêm thanh gỗ, thép mỏng hoặc lốp xe cũ sát vào cửa kính để gia tăng độ an toàn.

Nhiều hộ dân chằng chéo, gia cố cửa kính bằng dây thừng, băng keo và thanh gỗ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi gió giật mạnh. (Ảnh: Page Hải Phòng)

Có hộ dân còn buộc chặt cả cục nóng điều hòa treo ngoài ban công, đề phòng gió mạnh giật bung, gây nguy hiểm cho người đi đường. (Ảnh: Page Hải Phòng)
Nhiều chủ xe dùng dây thừng buộc chéo quanh xe ôtô, phủ thêm lớp bạt dày để hạn chế nước mưa ngấm vào khe kính và khoang động cơ. Một số người còn lót các tấm xốp dày ở hai bên cửa và mui xe nhằm giảm thiểu trầy xước nếu bị cành cây hoặc vật nhẹ va vào.

Ô tô được chằng chéo xe, phủ bạt kỹ lưỡng. (Ảnh: Page Hải Phòng)

Nam thanh niên dùng xốp dày bao quanh thân xe để bảo vệ phương tiện trước nguy cơ gió giật, mưa đá hoặc vật thể bay va đập trong bão. (Ảnh: Page Hải Phòng)
Bão Wipha không phải cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản. Các phương pháp phòng chống bão đa dạng mà người dân chia sẻ cho thấy sự chủ động, ứng biến linh hoạt của người dân trước thiên tai.