Nghệ An căng mình ứng phó bão số 3, sẵn sàng kích hoạt phương án sơ tán dân

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Hơn 2.800 tàu cá cùng trên 12.600 lao động vào nơi tránh trú an toàn. Người dân nuôi lồng bè được sơ tán. Phương án di dời dân ở vùng nguy cơ cao sẵn sàng kích hoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ngày 21/7, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, bốn đoàn công tác do các lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Văn phòng BCH PCTT-TKCN&PTDS tỉnh dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống tại các địa bàn xung yếu. Nhiều sở, ngành khác cũng đồng loạt rà soát phương án ứng phó theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ trao đổi với lãnh đạo địa phương trong việc ứng phó cơn bão số 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ trao đổi với lãnh đạo địa phương trong việc ứng phó cơn bão số 3.

Trước nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, trung du và ngập sâu ở hạ du hồ đập, chính quyền các cấp đang chủ động rà soát, chuẩn bị phương án sơ tán dân. Hệ thống thông tin đại chúng liên tục phát cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão để giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, hơn 4.000 lồng bè nuôi thủy sản cùng 4.000 nhà tạm, chòi canh đã được sơ tán người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Cơ quan chức năng yêu cầu tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Các lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, phối hợp sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Ảnh: Trọng Kiên.

Các lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, phối hợp sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Ảnh: Trọng Kiên.

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội Biên phòng tỉnh, toàn bộ 2.807 tàu cá với hơn 12.600 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. Chỉ còn 6 phương tiện với 24 lao động hoạt động ven bờ ở vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đều giữ liên lạc thông suốt, nắm chắc thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão. Không còn tàu nào trong vùng nguy hiểm.

Hệ thống hồ đập, thủy điện toàn tỉnh được theo dõi sát sao. 12/109 hồ thủy lợi lớn đã đầy nước; hồ Sông Sào dự kiến xả lũ từ 8 giờ sáng 22/7 để đảm bảo an toàn. Các hồ thủy điện vận hành đúng quy trình được Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt. Đối với hơn 1.000 hồ đập do địa phương quản lý, các phương án phòng chống đã sẵn sàng kích hoạt khi cần.

Tinh thần "bốn tại chỗ" được kích hoạt, đảm bảo lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm sẵn sàng cho mọi tình huống. Công tác gia cố hạ tầng, phân luồng giao thông và ứng trực cứu hộ cứu nạn đang được triển khai quyết liệt nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy, mưa dông trong ngày 19/7, đã làm 1 người tử vong, 4 người bị thương. Nạn nhân là ông V.T.L. (SN 1966, phường Vinh Lộc, Nghệ An) tử vong lúc 20 giờ ngày 19/7 do cây đổ đè vào. Ba học sinh và một phụ nữ bị thương do cây đổ, mái nhà sập và các sự cố liên quan gió lốc.

Ngoài ra, có 17 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 12 nhà hư hỏng 50-70%, 71 nhà hư hỏng 30-50% và 257 nhà hư hỏng nhẹ hơn 30%. Nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây lâu năm bị thiệt hại; 1.746 cây xanh gãy đổ, 77 cột điện hư hỏng, 2,45 km đường dây bị đứt. Một số khu vực miền núi xuất hiện sạt lở đất, nguy cơ tiếp tục cao nếu mưa lớn kéo dài.

Khánh Tâm - V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-cang-minh-ung-pho-bao-so-3-san-sang-kich-hoat-phuong-an-so-tan-dan-169250721180433569.htm