Muôn kiểu đòi lại sính lễ khi ly hôn

Người đòi lại vàng cưới, người đòi lại tiền 'chợ', tiền trang điểm cô dâu, quay phim chụp ảnh, thậm chí đòi lại tiền thịt heo...

Tranh chấp tài sản khi ly hôn là chuyện không hiếm gặp. Thế nhưng những tranh chấp giữa hai bên về sính lễ khi kết hôn luôn khiến nhiều người phải cảm thán về độ oái oăm.

Đòi tiền đãi tiệc, trang điểm...

Một vụ án ly hôn xảy ra tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Theo nguyên đơn bà H thì con trai bà và chị T yêu thương nhau và tiến tới hôn nhân nên bà có giáp lời với mẹ ruột của chị T để bàn chuyện làm lễ cưới.

Mẹ chị T yêu cầu tiền chợ là 50 triệu đồng và nói là sẽ tổ chức lễ cưới lớn nhưng không nói đãi bao nhiêu bàn. Yêu cầu này chỉ nói chuyện qua lại bằng điện thoại chứ không có làm giấy tờ. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền chợ xong, đến ngày đám cưới chỉ đãi năm bàn.

Ngoài ra, trước ngày cưới, bà H còn đưa cho con trai 20 triệu đồng để đi chụp ảnh, quay phim, trang điểm cô dâu, mua mâm bàn ngày cưới. Nhưng sau khi cưới, chị T chỉ ở khoảng một tháng thì tự ý bỏ về nhà cha mẹ.

Nay hai người đã ly hôn nên bà H khởi kiện với các yêu cầu mẹ chị T trả số tiền 50 triệu đồng vì đã thất hứa trong việc tổ chức đám cưới; yêu cầu chị T trả 20 triệu đồng vì đã không làm tròn bổn phận con dâu.

Trình bày trước tòa, mẹ chị T thừa nhận bà H có đưa 50 triệu đồng để tổ chức đám cưới. Việc đưa tiền là hoàn toàn tự nguyện chứ bà không có đặt điều kiện hay hứa sẽ tổ chức đám cưới lớn. Khi tổ chức đám cưới, bà đã làm 10 bàn tiệc, thuê mướn dàn nhạc, thuê người dọn dẹp tiêu hết số tiền trên nên bà không đồng ý trả lại 50 triệu đồng.

Trong khi đó, chị T nói không biết việc bà H đưa 20 triệu đồng vì khi tổ chức lễ cưới việc quay phim, chụp ảnh của bên nào thì bên đó tự lo. Đối với trang điểm cô dâu thì chị tự trả. Chị không đồng ý trả 20 triệu đồng.

TAND huyện Cờ Đỏ cho rằng phía nhà bà H có đưa số tiền 50 triệu đồng. Việc nhà trai giao tiền cho nhà gái chuẩn bị tiệc cưới là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán của Nhà nước về cưới hỏi. Pháp luật không quy định nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái khi tổ chức lễ cưới nên việc bà H giao tiền để lo lễ cưới cho các con là do các bên tự thỏa thuận.

Thực tế, vào ngày gia đình nhà trai qua rước dâu, nhà gái cũng có tổ chức mâm cỗ để tiếp đón, lễ cưới giữa hai nhà đã tổ chức xong, hai bên đã đăng ký kết hôn.

Do đó, việc bà H cho rằng nhà gái không lo lễ cưới chu đáo và đòi lại 50 triệu đồng là không có căn cứ. Pháp luật cũng như phong tục, tập quán cũng không quy định trường hợp vợ chồng ly hôn thì nhà gái có trách nhiệm trả lại tiền mà nhà trai đã đưa cho nhà gái để tổ chức lễ cưới.

Đối với số tiền 20 triệu đồng, theo HĐXX, chị T không biết về số tiền này.

Nếu trên thực tế nhà trai có trả tiền quay phim, chụp ảnh và trang điểm cô dâu thì cũng phù hợp, vì mục đích là phục vụ chuyện hôn nhân. Việc hôn nhân của hai bên bị đổ vỡ là điều không mong muốn, các chi phí tổ chức tiệc cưới cũng đã chi xong nên việc bà H đòi lại số tiền này là không đúng.

Từ đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H.

Không chịu chia đôi vàng cưới

Ông P với bà N đăng ký kết hôn, chung sống được bốn tháng thì phát sinh nhiều mâu thuẫn nên ông P yêu cầu được ly hôn.

Về tài sản chung, theo ông P, cha mẹ cho 15 chỉ vàng (24K, loại vàng 9999) trong ngày cưới. Sau đó, vợ chồng thống nhất bán 5 chỉ vàng đổi lại thành một bộ vòng xi men vàng 18K cho bà N làm trang sức đeo. Số vàng cưới bà N quản lý toàn bộ.

Ông P đồng ý việc vợ chồng đổi 5 chỉ vàng thành bộ vòng xi men 18K và cho bà N bán để điều trị bệnh nên tài sản chung còn lại của vợ chồng là 10 chỉ vàng. Vì vậy, ông P yêu cầu chia đổi 10 chỉ vàng này.

Về phía bà N, bà này thừa nhận những nội dung như ông P trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình vợ chồng không còn sống chung, bà N bị bệnh nên đã bán vàng để điều trị bệnh và tiêu xài cá nhân hết. Vì vậy, bà N không đồng ý chia tài sản chung cho ông P.

Xét xử, TAND huyện Chợ Mới, An Giang công nhận thuận tình ly hôn giữa ông P và bà N.

Về số vàng cưới, bà N cho rằng đã bán để điều trị bệnh nên không còn tài sản chung để chia. Tuy nhiên, theo HĐXX, bà N không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc sử dụng tài sản chung để điều trị bệnh.

Ngoài ra, bà N bán toàn bộ vàng cưới của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà không có sự đồng ý của ông P. Vì vậy, lời trình bày của bà N không có cơ sở xem xét.

Trong khi đó, ông P và bà N thống nhất tài sản chung của vợ chồng là 10 chỉ vàng được cha mẹ chồng cho trong ngày cưới là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Do đó, yêu cầu của ông P là có cơ sở chấp nhận. Từ đó, tòa tuyên bà N được hưởng 5 chỉ vàng, ông P được hưởng 5 chỉ vàng, bà N có trách nhiệm hoàn lại cho ông P 5 chỉ vàng.•

Đòi trả lại sính lễ mới đồng ý ly hôn

Chị S yêu cầu ly hôn với anh L. Anh L sau đó đưa ra yêu cầu phản tố buộc chị S phải trả lại tiền sính lễ là 25 triệu đồng (gồm tiền và giá hiện vật là thịt heo) thì anh mới đồng ý ly hôn. Theo anh L, tại địa phương, khi ly hôn, cô dâu phải trả lại tiền sính lễ.

Quá trình giải quyết, TAND huyện Bình Gia, Lạng Sơn cho rằng qua văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận tại địa phương không có tập quán nhà gái phải trả lại tiền sính lễ cho nhà trai khi ly hôn.

Tòa nhận định việc trao tặng tiền sính lễ thuộc dạng hợp đồng tặng cho tài sản. Việc tặng cho trong trường hợp này do các bên tự thỏa thuận về số tiền, hình thức trao tiền và không có điều kiện khác. Việc tặng cho này có hiệu lực từ thời điểm chị S nhận sính lễ. Từ đó, không chấp nhận yêu cầu trả tài sản là sính lễ của anh L.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/muon-kieu-doi-lai-sinh-le-khi-ly-hon-post773739.html