Muôn kiểu 'lách' trừng phạt, EU cứ cấm vận, Nga vẫn cứ xuất khẩu dầu và tăng thu ngân sách

Trong khi các biện pháp trừng phạt của EU đã dẫn đến những thay đổi lớn về khách hàng mua dầu của Nga, chúng vẫn không thể ảnh hưởng đến mức xuất khẩu chung của Moscow.

Sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong một báo cáo, Đại học Yale (Mỹ) đưa ra nhận định bi quan đối với sản lượng dầu của Nga. (Nguồn: Getty)

Sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong một báo cáo, Đại học Yale (Mỹ) đưa ra nhận định bi quan đối với sản lượng dầu của Nga. (Nguồn: Getty)

Lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển, có hiệu lực vào ngày 5/12 có khả năng làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại dầu mỏ nhưng không ngăn được Moscow sản xuất và xuất khẩu thứ nhiên liệu “quyền lực” này.

Kieran Tompkins, nhà kinh tế hàng hóa của công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London (Anh), nhận định: “Chúng tôi cho rằng, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm dần xuống 9,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm tới, từ mức ước tính 10,3 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm nay”.

Nga giảm sản xuất

Sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong một báo cáo, Đại học Yale (Mỹ) đưa ra nhận định bi quan đối với sản lượng dầu của Nga.

Cụ thể, Yale dự đoán, sản lượng dầu của Moscow sẽ giảm từ mức 10,7 triệu thùng/ngày trong mùa Hè 2022 xuống còn 6 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên này.

Tháng 8/2022, chính phủ Nga thông tin, sản lượng dầu của nước này có thể giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong năm nay so với 11 triệu thùng/ngày trong hai tháng đầu năm.

Sản xuất đã giảm trong hai tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự khi các nhà kinh doanh quốc tế xa lánh dầu mỏ của Nga. Nhưng kể từ đó, dòng nhiên liệu Nga được bán sang Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, xuất khẩu phục hồi và sản lượng tăng trở lại lên 10,7 triệu thùng/ngày trong tháng 6.

Sau đó, sản lượng dầu đã giảm trở lại khi các khách hàng châu Âu tiếp tục giảm nhu cầu trước lệnh trừng phạt.

Theo thỏa thuận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), hạn ngạch của Nga là 11 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và 10,5 triệu thùng/ngày trong tháng 11.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, sản lượng của nước này đã giảm xuống dưới cả hai mức đó xuống 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10.

Và các nhà phân tích nhận định rằng, sản lượng có thể giảm thêm xuống chỉ còn 9 triệu thùng/ngày vào tháng 12 sau khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Vậy nhưng, con số này vẫn lớn hơn mức sản xuất của Nga trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Phát triển năng lượng được TASS trích dẫn: “Sản lượng dầu của Nga trong tháng 12 sẽ giảm 1,5-1,7 triệu thùng/ngày so với mức trung bình từ tháng 6 đến tháng 10, tương đương 14%”.

Các nhà phân tích ước tính rằng, sau khi lệnh cấm của EU có hiệu lực, Nga sẽ phải tìm khách hàng mới cho khoảng 2-3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Được biết, Moscow đã bổ sung 100 tàu chở dầu. Tuy nhiên, đây là những tàu rất cũ và chúng không đủ để tự vận chuyển 2 triệu thùng dầu mỗi ngày cho các khách hàng ở Nam bán cầu.

Vào ngày 5/12, các biện pháp từ gói trừng phạt thứ sáu và thứ tám sẽ có hiệu lực. Theo đó, trong gói trừng phạt thứ 6, EU cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Còn trong gói trừng phạt thứ 8, Liên minh này thực hiện cơ chế áp giá trần dầu của Moscow nhằm cho phép khối này vẫn nhập khẩu nhiên liệu nhưng giảm nguồn thu của Moscow.

Sau nhiều tranh cãi, ngày 2/12, các nước EU đã đạt được thống nhất mức giá trần đối với dầu Nga là 60 USD/thùng.

Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng, họ sẽ đơn giản là cắt đứt nguồn cung cho bất kỳ khách hàng nào áp dụng cơ chế giới hạn giá dầu.

Vẫn tiếp tục xuất khẩu

Tuy nhiên, ngay cả sau khi lệnh cấm vận có hiệu lực, Nga vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu một lượng dầu đáng kể sang châu Âu, vì gói trừng phạt thứ tám chỉ áp dụng cho dầu vận chuyển dầu bằng đường biển, trong khi 2/3 lượng dầu mà Nga bán sang châu Âu được vận chuyển bằng đường ống, không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Nhà kinh tế Tompkins cho biết: “Nga đã xuất khẩu xấp xỉ 5,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2021. Công suất xuất khẩu của đường ống khoảng 3,4 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng 1,4 triệu thùng/ngày là từ đường ống Druzhba đến châu Âu, nơi lưu lượng đã giảm đáng kể”.

Tuy nhiên, phần lớn lượng dầu Nga được vận chuyển bằng đường ống là tới Đức và Ba Lan. Trong khi đó, cả hai nước này đều đã tự nguyện cam kết sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu Nga vào cuối năm nay.

Các thương nhân EU đã giảm nhẹ lượng nhập khẩu dầu bằng đường biển vào tháng 11, thời điểm trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Theo báo cáo của Capital Economics, Nga vẫn xuất khẩu khoảng 15 triệu thùng sang các nước EU trong tháng 11.

Kế hoạch của EU là thực thi lệnh cấm vận bằng cách nhắm mục tiêu vào bảo hiểm. Tàu không có bảo hiểm không thể vào cảng hoặc tuyến đường biển quốc tế và khoảng 95% bảo hiểm hàng hải được phát hành ở London.

Nga đã đối phó bằng cách củng cố công ty bảo hiểm hàng hải của riêng mình.

Theo đó, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Nga (RNRC) đã được Ngân hàng Trung ương nước này tái cấp vốn và bảo lãnh, khiến nó có hiệu lực bảo hiểm vô hạn. Mục đích là thay thế các hợp đồng bảo hiểm tại London bằng những thỏa thuận bảo hiểm tại Moscow để tránh các biện pháp trừng phạt.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đều cho biết họ sẽ chấp nhận bảo hiểm của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng hơn. Bắc Kinh đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga trong những tháng gần đây khi quan hệ kinh tế Trung-Nga ngày càng sâu sắc.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nga Alexander Poshivay cho biết, Trung Quốc vẫn chưa công nhận bảo hiểm bảo vệ và bồi thường, thường được gọi là bảo hiểm P&I, và giấy chứng nhận tái bảo hiểm do các công ty bảo hiểm Nga cấp cho các chủ tàu, điều này có thể là một vấn đề lớn đối với Moscow.

Tìm kiếm khách hàng mới

Phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga đã được định hướng lại từ châu Âu sang châu Á.

Theo S&P Global Commodity Insights, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga sang châu Á đã tăng khoảng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.

Từ tháng 1 đến tháng 10, lượng dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 36%, lên mức trung bình 780.000 thùng mỗi ngày. Trong khi đó, Ấn Độ đã tăng mua lên 450.000 thùng mỗi ngày cùng giai đoạn, so với 90.000 thùng mỗi ngày cùng kỳ năm trước.

Nhà máy lọc dầu Duna ở Szazhalombatta, Hungary. Dầu của Nga đến Hungary qua đường ống Druzhba. (Nguồn: Getty Images)

Nhà máy lọc dầu Duna ở Szazhalombatta, Hungary. Dầu của Nga đến Hungary qua đường ống Druzhba. (Nguồn: Getty Images)

Vẫn còn phải xem các lệnh trừng phạt sẽ hoạt động tốt như thế nào. Như bne IntelliNews thông tin, trong bối cảnh EU áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga, các nhà kinh doanh đã “thiên biến vạn hóa” để kiếm tiền.

Những trò “lách luật” như vận chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác để che giấu nguồn gốc đã và đang xảy ra; việc pha trộn “cocktail”, thêm dầu thô của Nga vào các hỗn hợp khác cũng đã được ghi nhận.

Tạp chí vận chuyển TradeWinds cho biết trong một bài báo xuất bản ngày 3/12 rằng, ước tính có khoảng 400 tàu chở dầu đã được bán cho “những người mua không xác định hoặc những người mới tham gia lĩnh vực này” kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Điều đó đã dẫn đến những nghi ngờ rằng Nga đang xây dựng một “hạm đội ma” gồm các tàu chở dầu trên danh nghĩa không phải của Nga, nhưng do nước này gián tiếp kiểm soát để vận chuyển dầu. Với hầu bao rủng rỉnh, Moscow có đủ khả năng mua bao nhiêu tàu chở dầu mà mình muốn.

Đồng thời, có một nhóm tàu chở dầu đã cắm cờ lại. TradeWinds cho biết, khoảng 50 tàu chở dầu đã rời khỏi cơ quan đăng ký của Malta kể từ đầu năm, và điều tương tự cũng xảy ra với Hy Lạp và Cyprus, hai trong số các quốc gia vận chuyển lớn nhất thế giới.

Cơ quan đăng ký Cyprus đã mất hơn 1/5 số tàu chở dầu, theo nhật báo Kathimerini của Hy Lạp.

TradeWinds cũng đưa tin, nhà môi giới Barry Rogliano Salles đã xác định được gần 150 tàu mới được bán và có thể số tàu này được đưa vào hoạt động trong đội tàu vận chuyển dầu của Nga.

Ước tính có tổng cộng hơn 1.000 tàu hoạt động trong các “hạm đội” nói trên so với tổng đội tàu chở dầu toàn cầu gồm 11.716 chiếc.

Nhà phân tích Tompkins nói: “Một số gián đoạn xảy ra đối với hoạt động xuất khẩu và sản xuất dầu mỏ của Nga là điều gần như không thể tránh khỏi. Dự báo, sản lượng dầu thô của nước này sẽ giảm dần xuống 9,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2023, so với ước tính 10,3 triệu thùng/ngày trong quý IV/2022.

Sản lượng của Nga giảm là một trong những lý do tại sao chúng tôi dự báo giá dầu sẽ vẫn ở mức cao vào năm tới, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái”.

(theo intellinews.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muon-kieu-lach-trung-phat-eu-cu-cam-van-nga-van-cu-xuat-khau-dau-va-tang-thu-ngan-sach-208599.html