Muốn kinh tế phục hồi, phải đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, để tạo ra miễn dịch cộng đồng, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Muốn kinh tế phục hồi, phải đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tác động của COVID-19 tới cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, ngay cả các ông lớn đều phải hứng chịu hậu quả. Theo VCCI, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế (VCCI) cho biết: Các chỉ số như chỉ số thống kê cho thấy những vấn đề rất đáng lo ngại của doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh tới chúng tôi về việc vận chuyển hàng hóa, nhiều loại hàng hóa liên quan đến chuỗi sản xuất khác nhau, liên quan đến bao bì, nhà máy sản xuất chẳng hạn.

Muốn kinh tế phục hồi, phải đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Theo ông Thạch, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm là 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Thạch nhấn mạnh: trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đơn cử như tại các vùng nguyên liệu rất khó kêu gọi hương lái, nhà máy thu mua, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua nguyên liệu.

Không những vậy, việc cung ứng vật đầu vào không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID-19. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Số ít thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, thì công suất thấp do thiếu nhân lực, kèm theo đó là chi phí rất lớn. Thiệt hại lớn khi bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ giao hàng, bị hủy đơn hàng.

Trên cơ sở đó, ông Thạch kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người lao động. Đồng thời, ông Thạch bày tỏ quan điểm phải đảm bảo sự thống nhất trong chính sách và quy định phòng chống dịch từ trung ương tới địa phương, nhanh chóng bãi bỏ các quy định do các địa phương ban hành trái với quy định của Trung ương.

“Tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp khi xây dựng, ban hành các quy định liên quan tới sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch, đảm bảo không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Rà soát và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp

Nhanh chóng xây dựng và hướng dẫn áp dụng các mô hình sản xuất an toàn với Covid-19 dựa trên việc tham vấn các chuyên gia và doanh nghiệp để xây dựng các điều kiện, quy trình khả thi và phù hợp cho từng ngành nghề sản xuất kinh doanh và quy mô của doanh nghiệp”, ông Thạch nói.

Ngoài ra, ông Thạch cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp: Hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải chuyển đổi

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng cần tiếp tục tăng cường vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để phổ cập vắc-xin cho toàn dân, sớm mở cửa trở lại ở những vùng bị giãn cách. Thực tế vừa qua, công tác ngoại giao vắc-xin, ngoại giao khẩu trang của chúng ta đã làm rất tốt;

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn, tổ chức kinh tế khu vực và thế giới để cùng tìm kiếm giải pháp và các sáng kiến vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế;

Đồng thời cần tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh.

Trước những khó khăn của đại dịch, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.

Tiếp đến, các doanh nghiệp là duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.

Đồng thời nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muon-kinh-te-phuc-hoi-phai-day-manh-toc-do-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-post155002.html