Muôn màu cảm xúc trong ngày lễ
Tháng 10, Hà Nội đang ở những ngày đẹp nhất của mùa thu. Nắng vàng như mật quyện cùng gió heo may lang thang trên phố. Đây cũng là tháng có ngày lễ dành riêng cho những người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần lướt một vòng trên mạng xã hội, bạn có thể thấy mọi sắc thái cảm xúc khá thú vị.
Đến ngày lễ, nhiều bạn đăng ảnh được tặng hoa, tặng quà lên mạng xã hội thể hiện sự mãn nguyện. Bên dưới phần bình luận, bạn bè đua nhau chúc tụng. Nhưng trên thực tế, không ít những hình ảnh đó chỉ là “ảo” mà thôi. Họ thật đáng thương khi luôn phải gồng mình để “đánh bóng” tên tuổi trên mạng xã hội bằng mọi cách.
Có một điều khá thú vị, nhiều phụ nữ thường “hóng” quà từ người khác vào ngày lễ. Và họ dễ rơi vào trạng thái “hụt hẫng” khi không được tặng quà như mong muốn. Được tặng quà thật sự rất vui nhưng tại sao chúng ta không cố gắng chăm chỉ làm việc để có thể “tự thưởng” cho bản thân những thứ mình thích.
Đôi khi, người ta mải chạy theo cuộc sống ảo trên mạng mà lãng quên thực tế. Không ít người bỏ thời gian, công sức gõ những dòng hoa mỹ trên mạng xã hội về mẹ của mình nhưng lại bận tới nỗi một cuộc điện thoại chúc mừng mẹ cũng không thể có. Sao ta không nghĩ, đến một ngày nào đó, giọng nói của mẹ chỉ còn là sự hoài niệm xa xôi. Ta có thể sống tốt, chu đáo với bao người, nhưng với mẹ của mình thì đôi khi vô ý “lỡ quên” quan tâm. Mẹ luôn bao dung chẳng bao giờ trách ta, nhưng chỉ sợ một ngày nào đó ta giật mình tự vấn thì đã quá muộn màng.
Ngày lễ cũng là dịp để ta có thể “soi chiếu” về cách hành xử của cánh đàn ông. Một số chàng nhân dịp này để bày tỏ tình cảm của mình với người thương bằng những món quà và lời chúc ngọt ngào. Cũng có những chàng “rủ nàng đi trốn” để dành trọn cho nhau giây phút riêng tư trong ngày lễ đặc biệt này. Với một số chàng “thả thính thời vụ” trên mạng xã hội thì sẽ kiếm cớ “lặn mất tăm” trước ngày lễ dành cho chị em để đỡ phải quà cáp. Họ không nghĩ rằng, đôi khi một lời chúc chân thành, đúng lúc sẽ có giá trị hơn món quà nào đó.
Lời chúc trong những ngày lễ cũng thể hiện một phần tính cách của chủ nhân. Khá nhiều người lên mạng lấy một lời chúc theo mẫu và gửi cho rất nhiều người. Với nhiều người, lời chúc luôn phải xuất phát từ thành ý chứ không phải là loại sản xuất hàng loạt theo kiểu “đại trà”. Những lời chúc chân thành, có dấu ấn riêng bao giờ cũng sẽ được đón nhận một cách trân trọng.
Cũng có những người không muốn đua theo trào lưu chúc tụng chị em nhân ngày lễ. Theo họ, những lời chúc tụng chỉ là sự phù phiếm, bình thường cứ sống tốt là được, không cần phải “làm quá” lên như vậy. Quan điểm này không sai, nhưng bỗng dưng khiến ta nghĩ về sự “tiết kiệm” trong tính cách của người đó. Đến một lời chúc cũng không thể trao nhau thì nói gì đến những việc xa hơn.
...Đêm muộn, tôi trở về nhà sau một bữa tiệc nhỏ. Trên phố, các chị công nhân vệ sinh môi trường đang miệt mài làm việc. Một chị đang lúi húi gom lại những tờ bìa, lon bia vào chiếc túi to, treo bên thành xe. Vừa làm, các chị vừa trò chuyện vui vẻ. Dõi theo bóng các chị đẩy xe rác xa dần trên phố, tôi thầm nghĩ về những bữa tiệc hoành tráng, các món quà đắt tiền mà chủ nhân vẫn không thể an vui.
Cổ nhân có câu: “Tri túc thường lạc” (biết đủ thì vui). Phải chăng, ta sẽ hạnh phúc khi tự thấy “biết đủ”.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/muon-mau-cam-xuc-trong-ngay-le-166896.html