Muốn một đời không khổ nhọc, chúng ta phải chịu khổ nhọc một thời

Nguyễn Thị Tú, sinh năm 2001, là sinh viên năm ba khóa 60 lớp 60B2 Điều dưỡng, trường Đại học Vinh. Sinh ra và lớn lên tại Thọ Xuân - Thanh Hóa, mảnh đất địa linh nhân kiệt quê hương của vị anh hùng Lê Lợi, hiện Tú đang là thành viên trong đội sinh viên tình nguyện của khoa, thành viên của câu lạc bộ tuyên truyền vận động hiến máu trường Đại học Vinh.

Bạn đã bao giờ đứng trước lo lắng, băn khoăn nhiều đêm không ngủ nghĩ về giữa việc tiếp tục giấc mơ học Đại học hay từ bỏ để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ hay chưa? Mình đã từng đấu tranh tâm lý rất nhiều lần. Mình còn nhớ như in buổi chiều tháng tám năm ấy sau khi quyết định tiếp tục theo đuổi con đường học tập mình và mẹ đã khăn gói đi vào mảnh đất Nghệ An để nhập học. Lần đầu tiên đặt chân đến một tỉnh thành lạ đối với tâm trạng của những cô cậu học trò mới lớn chắc hẳn sẽ rất bỡ ngỡ, vui tươi, háo hức nhưng lạ thay trong mình lại có chút cảm xúc khác tim đập nhanh hơn bao giờ hết vì một phần là do hồi hộp còn phần lớn là do lo sợ thỉnh thoảng mình lại lén nhìn trộm theo bóng lưng của mẹ, trong đầu xuất hiện lên hàng nghìn băn khoăn: Liệu mẹ có đủ tiền nhập học hay không, quyết định của mình có đúng không,…

Rồi dần dần cách cổng Đại học Vinh mở ra trước mắt mình dường như mở ra một tương lai, hi vọng mới cho mình vậy. Tiến gần hơn đến khu nhà điều hành mình được các thầy cô hướng dẫn làm hồ sơ rất tận tình và cũng chính tại nơi này hình ảnh người mẹ với đôi tay đã thô ráp run run đang cẩn thận lấy từng đồng tiền cất kĩ trong túi quần ra để làm hồ sơ khắc sâu trong tâm trí mình, mình biết số tiền đó đối với một người nông dân là rất lớn có khi là phải gom góp cả vụ mùa mới được từng ấy. Mình cảm thấy rất biết ơn vì trong những năm tháng cả nhà đang có sự cố rất khó khăn nhưng bố mẹ vẫn ủng hộ con đường học tập của mình.

Nguyễn Thị Tú- sinh viên năm ba khóa 60 lớp 60B2 Điều dưỡng, trường Đại học Vinh.

Môi trường sống mới, trường lớp, thầy cô bạn bè mới ngôn ngữ vùng miền cũng khác nhau nên mình vô cùng bỡ ngỡ cũng như là hiếu kỳ với mọi thứ xung quanh, mình cứ sợ rằng sẽ không thích nghi được với cuộc sống ở mảnh đất khác nhưng rồi mọi thứ cũng diễn ra khá êm đềm. Lần đầu đến lớp mình có nói chuyện được với một số bạn mới, mọi người cũng rất thân thiện, nhiều bạn còn kiên nhẫn giải thích cho mình những từ ngữ vùng miền mà mình chưa hiểu, thầy cô thường xuyên quan tâm hỏi thăm tình hình học tập. Ở ngôi trường mới nhờ có mọi người mình cũng vơi đi phần nào sự tủi thân, cô đơn trong lòng.

Suốt mấy tháng lên đại học mình rất hay nhớ nhà thỉnh thoảng chợt bật khóc vì muốn về quê cảm xúc khó tả này chăc hẳn bạn tân sinh viên nào cũng sẽ ít nhiều trải qua, những giây phút ấy cũng một phần nào đó đã giúp mình thêm nhận ra rằng gia đình quan trọng đến nhường nào. Thời gian cũng thấm thoát trôi sau vài tháng sau vì một lí do buồn gia đình gặp biến cố cuộc sống vốn dĩ không khá giả nay càng thêm khó khăn hơn nên bố mẹ đã vào Vinh và ở cùng mình vừa là để tìm công việc vừa là muốn được gần con gái hơn. Cuộc sống sinh viên có thêm bố mẹ ở chung mình cảm thấy yên tâm và bớt lạc lõng hơn nhiều khi ở nơi đất khách quê người.

Đại học đã cho Tú thay đổi cách nhìn về cuộc sống

Bốn năm học đại học mình chắc chắn rằng đây sẽ là thước phim ký ức mà sau này có dùng bao nhiêu tiền bạc, thời gian cũng không mua được bao chuyện buồn vui ở những năm tháng thanh xuân này sẽ theo mình đến hết cuộc đời. Là một cô gái học lực trước đây chỉ ở mức khá không hề nổi bật nhờ ngôi trường Đại học đã cho mình thay đổi cách nhìn về cuộc sống, học thêm được nhiều điều thú vị hơn khi tham gia thêm câu lạc bộ, gặp gỡ bạn bè mới. Tại nơi đây mình được cùng các anh chị tham gia các hoạt động như: phát cháo miễn phí, trao quà noel cho các trẻ em bị bệnh, bán kẹo kêu gọi quỹ, hiến máu tình nguyện, chủ nhật xanh…

Gần đây, mình đi thực tập tại bệnh viện, có cơ hội tiếp xúc với nhiều cô chú lớn tuổi hơn tuy là đang đau ốm nhưng họ vẫn phát ra rất nhiều năng lực tích cực mà mình thấy nên học hỏi. Tất cả mọi thứ đều là kỷ niệm quý báu đối với mình, năm tháng ấy đã chứng kiến một cô gái tên Tú trưởng thành hơn từng ngày, biết lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn. Con đường phía trước còn rất dài, đầy rẫy thử thách mình hi vọng rằng bản thân mình và các bạn vẫn sẽ vững tin, nhiệt huyết để sống “cuộc đời ý nghĩa”. Mong rằng sau này khi nhìn lại chúng ta sẽ mỉm cười vì mình đã từng cố gắng đến thế, với 4 lần đạt học bổng trong cả 4 kỳ học vừa qua là một trong những điều đẹp đẽ nhất trong năm tháng tuổi trẻ của mình, từ những cố gắng từng ngày mình giúp mình có thêm động lực để tiến về phía trước hơn nữa, làm cho thanh xuân rực rỡ và đáng quý hơn biết bao.

Tuy nhiên cuộc sống Đại học không phải luôn màu hồng như mọi người nghĩ đặc biệt là đối với một cô gái xuất phát điểm từ nông thôn kinh tế hạn hẹp, còn phải nghĩ không biết làm gì để có thể tự đóng tiền học phí mà không làm phiền đến bố mẹ. Ngoài giờ học chính trên trường và lịch thực tập tại viện ra, năm nhất mình có từng xin làm bưng bê tại quán cafe, làm pha chế trà sữa, mẫu chụp makeup,… Sang năm hai thì lịch học có nhiều hơn nên mình thử trải nghiệm công việc làm trợ lý nhân sự, bán giày dép, rửa bát thuê,… thậm trí là cùng mẹ đi thu mua sắt vụn.

Trong hai năm học vừa qua có những khoảng thời gian mình gần như trầm cảm vì gánh nặng học tập, gia đình, kinh tế, học phí. Bên cạnh những người bạn thân thiện, dễ thương giúp đỡ nhau cùng tiến bộ thì đã từng có một vài lần mình vô tình nghe được những lời bàn tán ác ý từ một số bạn như là: con nông thôn, mẹ nó mua sắt vụn đấy,… Nhiều đêm đi làm về một mình bước đi trên con đường vắng nhớ lại mình khá tủi thân rơi nước mắt, nhưng bây giờ nghĩa lại mình nên biết ơn những lời nói đó đã khiến mình trở nên mạnh mẽ hơn, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với điều tốt đẹp phía trước hãy biết biến những nỗi buồn trở thành động lực để bản thân phát triển.

Mình từng nghe được một câu nói này rất hay: “Cuộc sống vốn dĩ không có số phận an bài, chỉ có con người chúng ta cố gắng mới tạo nên số phận mà thôi”. Dù bất cứ ngành nghề gì miễn, miễn là trong sạch không vi phạm pháp luật đều được đáng trân trọng. Bố mẹ đã già như vậy rồi còn chăm chỉ đi làm kiếm sống từng ngày thì vì lí do gì mà chúng ta là những người trẻ tuổi lại có quyền lười nhác?

“Xét cho cùng, muốn một đời không khổ nhọc, chúng ta phải chịu khổ nhọc một thời”, đây chính là câu nói tạo động lực cho mình mỗi khi nản trí, muốn dừng bước. Mỗi người trong chúng ta hãy rèn luyện tư duy tích cực, hình thành các thói quen tốt, dần dần loại bỏ các thói quen xấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình nhé. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng cả, cũng không có thành công nào đến dễ dàng chỉ trong một hai ngày là đã đạt được, mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng nếu bạn nghiêm túc làm nó. Mình tin ai trong chúng ta cũng đều có thể đạt đước ước mơ, thành công mà bản thân mong muốn chỉ cần bạn luôn cất bước thì đi nhanh hay chậm cũng được miễn sao đừng bỏ cuộc trái ngọt thành công đang chờ đợi bạn ở phía trước đấy, tất cả kết quả của mọi việc trên đời đều phụ thuộc vào ý chí và thái độ của chúng ta rất nhiều.

Chúc cho tất cả chúng ta đặc biệt là các bạn trẻ luôn luôn thắp đầy nguồn năng lượng tích cực, hướng về phía trước, vui vẻ, an nhiên và hãy luôn nhớ rằng hạnh phúc sẽ luôn dành tặng cho những người biết nỗ lực.

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/muon-mot-doi-khong-kho-nhoc-chung-ta-phai-chiu-kho-nhoc-mot-thoi-post1393347.tpo