Muôn nẻo đường sinh viên làm thêm

Như thành thông lệ, cứ đến mùa hè, khi áp lực học tập có phần giảm là sinh viên lại đi tìm việc làm thêm, phần để tích lũy kinh nghiệm sống, phần để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, dù việc làm thêm có là lựa chọn vì sở thích hay bắt buộc của hoàn cảnh thì vẫn luôn có những đánh đổi nhất định.

 Một ”quán” cà phê di động của sinh viên

Một ”quán” cà phê di động của sinh viên

Những lý do bắt đầu...

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều người trẻ mang tâm lý FOMO (fear of missing out: sợ bỏ lỡ), nên có cảm giác lạc lõng khi bản thân không bận rộn như người khác. Khoảng năm 2 đại học, thấy bạn bè đã có chỗ làm thêm và tự trang trải sinh hoạt phí, Phương Mai (sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM - Đại học Quốc gia TPHCM) rơi vào trạng thái lo lắng.

“Tôi cứ thấy nếu không đi làm, không có thêm trải nghiệm, thì thời sinh viên có vẻ chưa trọn vẹn. Vì sau giờ học vẫn còn thời gian và sức khỏe, nên tôi muốn thử làm việc hết khả năng xem bản thân cố gắng được đến đâu”.

Tâm lý sợ bỏ lỡ này còn ảnh hưởng đến phụ huynh. Nhiều bạn trẻ tâm sự, bản thân không có nhu cầu đi làm thêm và muốn tập trung vào việc học, nhưng cha mẹ lại tỏ ý “sốt ruột”, hối thúc con đi làm thêm. Khi được hỏi, một số phụ huynh cho biết, thực ra họ không cần con kiếm tiền, nhưng việc đi làm khi còn đang học nơi giảng đường là một loại học tập khác, một loại kỹ năng sống quan trọng để con sẵn sàng bước vào đời.

Tuy nhiên, có những trường hợp như Như Thùy (sinh viên Trường Đại học Văn Hiến) thì: “Tôi không chọn mà là bị bắt buộc, bởi hoàn cảnh khó khăn, việc đi làm không chỉ đáp ứng nhu cầu đi học mà còn phụ giúp gia đình. Trải qua gần 20 công việc khác nhau, tôi không thể cân bằng đi học, đi làm, nhiều lúc rơi vào khủng hoảng do quá mệt mỏi”.

Ưu tiên và đánh đổi

Thị trường lao động vốn luôn đầy thử thách, nhất là với các bạn sinh viên. Chưa có kinh nghiệm và kiến thức, các bạn trẻ buộc phải làm những công việc phổ thông, như: nhân viên bán hàng, phụ quán, lễ tân, kinh doanh online..., điểm chung của nhóm việc này là luôn có vị trí trống, dễ ứng tuyển, nhưng mức lương khá thấp, nên đa số sinh viên thường cố gắng làm thêm giờ, nhiều việc để có thêm thu nhập.

Chia sẻ về khoảng thời gian làm việc cao điểm của mình, Ngọc Trâm (sinh viên Trường Đại học Văn Lang) nói: “Tôi vẫn nhớ mùa hè năm đó, tôi làm 3-4 đầu việc cùng lúc để chuẩn bị chi phí cho năm học sắp tới. Tôi làm ca sáng tại cửa hàng tiện lợi từ 6 giờ đến 12 giờ, đến 14 giờ tiếp tục đi bán giày dép ở nơi cách đó khoảng 10km, về nhà tiếp tục bán hàng online đến hơn 23 giờ”.

Cũng như Ngọc Trâm, nhiều sinh viên cho biết, vào mùa hè, thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng của người khác lại là “cơ hội vàng” cho bản thân kiếm thêm thu nhập. Dù hạnh phúc khi tự lo được cho chính mình, các bạn cũng có phần tiếc nuối khi không còn thời gian cho bản thân như bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, nếu không làm thêm thì sẽ không có khả năng chi trả học phí. Hơn nữa, nếu không đảm bảo về vật chất, sự lo lắng cũng ảnh hưởng đến tinh thần học tập, khiến cả hai đều không đạt hiệu quả.

Thực tế, sự quyết tâm và nỗ lực của người trẻ không phải lúc nào cũng mang đến quả ngọt. Trái lại, nắm được tâm lý cần tiền của sinh viên, nhiều nơi làm thêm cố tình trả lương chậm trễ, thậm chí là quỵt lương. Đặc biệt với những công việc online, nhiều người trẻ rơi vào đường dây lừa đảo, tham gia vào những hội nhóm buôn bán đồ kém chất lượng mà bản thân không hay biết. Ngoài ra, trong một số trường hợp, sự tiêu cực từ môi trường làm việc nặng nề và đồng nghiệp gay gắt, khó tính đã khiến sinh viên bị ảnh hưởng tinh thần, mất tập trung trong học tập và cuộc sống.

Tuổi trẻ là tuổi trải nghiệm, mọi thử thách và đánh đổi trong giai đoạn này đều là bài học quý giá. Tuy nhiên, bạn trẻ cần tỉnh táo để hiểu rõ khả năng và mong muốn thực sự của bản thân, tránh cho những trải nghiệm biến thành sự trả giá đáng tiếc.

Hiện nay, xuất hiện nhiều nhà tuyển dụng ảo đăng bài tuyển dụng với mức lương hậu hĩnh, công việc nhẹ nhàng cùng các phúc lợi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên năm cuối. Mục đích của các đối tượng này rất đa dạng, từ thu thập hồ sơ xin việc để lấy thông tin cá nhân, đến dẫn dụ người ứng tuyển vào những công việc lừa đảo... Vì thế, trước khi gửi đi hồ sơ cá nhân, việc tìm hiểu kỹ lưỡng nguồn tin tuyển dụng là vô cùng quan trọng.

HỒNG ÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/muon-neo-duong-sinh-vien-lam-them-post802542.html