Xu hướng 'bộ tộc kangaroo' ở giới trẻ Hàn Quốc
Bất chấp áp lực xã hội buộc người trẻ phải rời gia đình để trưởng thành, phần lớn 'Gen Z' ở Hàn Quốc vẫn sống cùng cha mẹ. Theo một khảo sát năm 2022, có 81% người ở độ tuổi 20 vẫn sống với gia đình, mức cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ảnh minh họa
Xu hướng này phần lớn xuất phát từ những khó khăn trong việc đạt được sự độc lập về kinh tế, đặc biệt là trong tìm việc làm ổn định và kết hôn. Bốn dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình trưởng thành của thanh niên Hàn Quốc: tốt nghiệp, có việc làm, kết hôn và sống riêng, đều chậm lại từ năm 1986 đến 2021.
Ở Hàn Quốc, người trẻ phụ thuộc tài chính vào cha mẹ thường được gọi là "bộ tộc kangaroo", với ý mỉa mai. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc phụ thuộc này không đơn thuần xuất phát từ sự dựa dẫm, mà còn phản ánh vấn đề xã hội khác.
Không đủ khả năng thuê nhà
Lee, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành tâm lý và đang làm trợ giảng, sống ở ngoại ô Seoul, mỗi ngày mất gần 3 tiếng đồng hồ di chuyển đến trường. Áp lực từ việc đi làm xa càng trở nên nặng nề hơn với Lee khi sống cùng cha mẹ.
Tuy nhiên, việc chuyển đến sống gần trường lại không khả thi về mặt tài chính. Tiền thuê căn hộ một phòng nhỏ cũng có giá ít nhất là 700.000 won (tương đương hơn 13 triệu đồng) mỗi tháng, chưa kể phí quản lý. Với thu nhập hiện tại, Lee đành gác lại mong muốn đó.
Yoon Do-won, 28 tuổi, làm trong lĩnh vực bất động sản, cho biết việc sống với cha mẹ là một quyết định được cân nhắc kỹ. "Thà sống với cha mẹ còn hơn tốn 700.000 won mỗi tháng cho một căn hộ tồi tàn, ẩm thấp", anh giải thích.
Yoon dự định sẽ ở cùng gia đình thêm vài năm nữa, đợi đến khi tiết kiệm đủ tiền để ra ở riêng tại một nơi an toàn, ổn định.
Ngay cả với những người có công việc được xem là ổn định và có thu nhập tốt như Sung In-ho, 28 tuổi, dược sĩ, việc chuyển ra ở riêng vẫn là một giấc mơ xa vời. Sung và bạn gái đang cùng nhau tiết kiệm để mua nhà.
Hạnh phúc khi sống với cha mẹ
Với nhiều người trẻ, sống cùng cha mẹ không hẳn là một lựa chọn tồi. Park, 25 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế và đang tìm việc, chia sẻ về những bữa tối quây quần cùng nhau và cảm giác ấm áp khi về nhà mỗi ngày mang đến cho cô cảm giác thoải mái và ổn định.
Paik, 26 tuổi, đang chuẩn bị bước vào lĩnh vực thiết kế UX, cũng đồng tình. Trước đây, Paik từng sống gần trường, nhưng sau đó đã dọn về nhà ở, dù quãng đường đi làm mất hơn 70 phút.
Sự an toàn khi sống cùng cha mẹ cũng là một lý do. Shin, 28 tuổi, làm trong ngành dịch vụ, nói: "Những mối đe dọa như bị theo dõi, tấn công tình dục, thậm chí bị sát hại, nhắm vào phụ nữ sống một mình đang gia tăng".
Dù ra ở riêng, Shin thừa nhận vẫn muốn sống cùng gia đình vì cảm giác an toàn và có người quan tâm. Sức khỏe tinh thần và an toàn là lý do chính khiến nhiều phụ nữ trẻ không muốn ở riêng.
Nỗi lo lắng đó không chỉ dừng ở người trẻ mà còn được chia sẻ bởi các bậc phụ huynh có con gái. Một người mẹ ngoài 50 tuổi, có con gái hơn 20 tuổi, kể rằng bà thường kiểm tra kỹ vị trí nhà thuê, hệ thống an ninh trước khi giúp con tìm nhà.
Vì truyền thông thường đưa tin về tội phạm nhắm vào phụ nữ sống một mình, nên bà muốn con có nơi ở an toàn nhất có thể. Trừ khi công việc hoặc việc học thật sự bắt buộc, một số phụ huynh mong con gái sống cùng cha mẹ càng lâu càng tốt.
Con đường tìm việc gian nan
Ở Hàn Quốc, sinh viên thường được gia đình hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, khi khoảng cách giữa giáo dục và việc làm ngày càng khó thu hẹp, giai đoạn phụ thuộc này ngày càng kéo dài. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2024, có 238.000 người từ 15 đến 29 tuổi thất nghiệp trong hơn 3 năm, chiếm 18,4% tổng số người thất nghiệp trong nhóm tuổi này.
Jung Ye-won, 24 tuổi, sinh viên năm cuối đại học, nói: "Kiếm được một công việc toàn thời gian giống như mò kim đáy bể. Hiện tại, muốn có được một công việc ở Hàn Quốc, bạn phải có ít nhất một hoặc hai kỳ thực tập trước đó".
Với sự hỗ trợ từ cha mẹ, nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn việc bắt đầu cuộc sống độc lập để theo đuổi con đường vững chắc và đáng khao khát hơn. Young, 23 tuổi, hiện là cộng sự tại một công ty tư vấn, cho biết cô quyết định nộp hồ sơ học chương trình thạc sĩ, một lựa chọn đồng nghĩa với việc cô sẽ tiếp tục được ở nhà với cha mẹ thêm một thời gian nữa.
Nguồn: Korea Herald