Muôn nẻo tới trường của học sinh miền sông nước An Phú

Mong chờ hoàn thành cách ly tập trung để được tới lớp trong mùa khai giảng hay hành trình vượt sông trên những chuyến đò chòng chành đi tìm con chữ, là hình ảnh của học sinh vùng sông nước An Phú (An Giang) vượt khó đến trường đón năm học mới.

Mong chờ hoàn thành cách ly tập trung để được tới lớp trong mùa khai giảng hay hành trình vượt sông trên những chuyến đò chòng chành đi tìm con chữ, là hình ảnh của học sinh vùng sông nước An Phú (An Giang) vượt khó đến trường đón năm học mới.

Những ngày đầu tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về các dòng sông rồi tràn lên ngập trắng các cánh đồng vùng biên giới Tây Nam. Tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia, huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi hằng năm có khá đông học sinh các cấp là con em Việt kiều đang sống, làm ăn bên đất bạn theo học. Những năm trước, vào ngày tựu trường, hai bến đò Mương Chùa và Xã Đội bên sông Bình Di, xã Khánh An, huyện An Phú luôn nhộn nhịp học sinh Việt kiều sống bên kia biên giới thuộc xã Prek Chrey, huyện Kandal, Cam-pu-chia trở về quê hương học chữ. Nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các em không thể ngày nào cũng qua biên giới đi học. Đứng trước khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang và UBND huyện An Phú đã bàn bạc triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho học sinh Việt kiều đang sinh sống bên kia biên giới sang nhập học niên khóa 2020 - 2021. “Nếu phụ huynh chấp nhận cho con em ở lại Việt Nam học cho đến khi có thông báo hết dịch thì nhà trường căn cứ theo đó sẽ lập danh sách báo cáo cấp thẩm quyền bố trí tiếp nhận, đưa các em vào điểm cách ly tập trung tối thiểu 28 ngày theo quy định”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Võ Hoàng Lâm cho biết.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú, ước tính có khoảng hơn 1.000 học sinh Việt kiều của các cấp học từ mầm non đến THPT từ Cam-pu-chia về nước để học. Cùng theo còn có người giám hộ là cha mẹ, người thân theo các em trong quá trình thực hiện cách ly 28 ngày theo quy định. Dù dịch bệnh đang gây khó khăn cho việc học nhưng với tinh thần tương thân tương ái, huyện An Phú luôn tạo điều kiện cho các em về nước học, cố gắng không để các em vì khó khăn mà bỏ học. Trong khoảng thời gian các em thực hiện cách ly, nhà trường sẽ dạy trực tuyến, phát giáo trình cho các em ôn luyện. Khi vào học chính thức, các thầy cô sẽ kiểm tra lại kiến thức, ôn tập lại cho các em.

Có mặt tại Trung tâm văn hóa thể thao TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), nơi có hàng trăm học sinh Việt kiều các cấp đang thực hiện cách ly chờ ngày trở lại huyện An Phú học, chúng tôi thấy rõ sự háo hức chờ ngày đến trường của các em. Em Nguyễn Duy Khang, là học sinh Việt kiều sẽ vào lớp 9 trong năm học mới này kể, những năm trước, em và bạn học khác qua lại biên giới vào Việt Nam đi học mỗi ngày. “Còn bây giờ, dịch bệnh gây khó khăn, cuộc sống đảo lộn, muốn đi học phải ở nhà người thân, không thể đi đi về về như trước đây nữa nên em quyết tâm ở lại thực hiện tốt và hoàn thành cách ly tập trung để được tới lớp”, em Khang bộc bạch.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Ngọc Diễm, do dịch bệnh nên năm nay UBND tỉnh, ngành giáo dục tạo thuận lợi để học sinh Việt Nam đang sống ở Cam-pu-chia tiếp cận chương trình năm học theo từng khối lớp, từng địa bàn, phù hợp điều kiện thực tế, nhằm bảo đảm lượng kiến thức, nội dung học tập theo quy định. Theo kế hoạch, thời gian học tập chia làm ba đợt, cụ thể đợt 1 có 427 học sinh có hộ khẩu và chỗ ở tại Việt Nam; đợt 2, số lượng dự kiến khoảng 200 học sinh có hộ khẩu ở Việt Nam nhưng không có chỗ ở nên UBND huyện An Phú phối hợp với gia đình và địa phương thực hiện công tác giám hộ và tính phương án bố trí nơi ở hoặc đề xuất phương án cho học sinh sau khi hoàn thành cách ly; đợt 3, dự kiến khoảng hơn 600 học sinh qua lại học hằng ngày nhưng không có hộ khẩu và nhà ở Việt Nam, thời gian cụ thể phải chờ có chủ trương mở cửa biên giới. Khi đó ngành giáo dục sẽ hướng dẫn chuyên môn các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng để các em theo kịp chương trình.

Cùng với học sinh Việt kiều, nhiều học sinh của An Phú cũng phải vượt khó đến trường, đi học bằng đò. Những ngày này, nước nổi dâng cao khiến những ngôi nhà nằm hai bên kênh Ngọn Cả Hàng, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú sát bên mép nước. Những con đường nhựa nông thôn vốn bị ngập lũ hằng năm đã hư hỏng chưa kịp khắc phục, hoàn thành sửa chữa thì mùa nước nổi mới lại về, mấp mé tràn bờ. Chỉ tay về phía đầu đường, anh Trần Văn Hiền, dân quân tự vệ có nhiều năm làm nhiệm vụ đưa rước học sinh bằng vỏ lãi trong mùa nước nổi, quả quyết không bao lâu nữa nước sẽ tràn bờ, tuy nước nổi chưa cao lắm nhưng các phương án tổ chức đưa rước học sinh vùng lũ tới trường đã sẵn sàng.

Nằm sâu trong nội đồng, cù lao Bảy Trúc có 44 hộ và 185 nhân khẩu thuộc tổ 1, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú. Con đường độc đạo nối cù lao Bảy Trúc với trung tâm xã cũng là tuyến đê bao bằng đất ngăn lũ giữa cánh đồng nước mênh mông vùng biên giới. Giờ đây bị nước lũ cô lập, trông không khác gì một ốc đảo giữa mênh mông sóng nước. Nước lũ lên nhanh, dâng cao đang đe dọa nhiều đoạn đường đê. Ông Năm Tâm, người dân ở cù lao Bảy Trúc và cũng là người hơn chục năm lái con đò “tri thức” đưa nhiều lớp học trò của vùng “ốc đảo” này đi tìm con chữ cho biết, năm nào học sinh ở đây cũng phải tới lớp bằng đò, dù lũ to hay lũ nhỏ. Ông Tâm cho biết, nhìn dòng nước chảy xiết mấy hôm nay, ông đoán rằng nước lũ đang lên nhanh, ông đã tu sửa lại chiếc đò, chuẩn bị sẵn sàng để ngày ngày đưa các em học sinh tới lớp. Em Nguyễn Thị Như Ý, học sinh lớp 9 Trường THCS Phú Hữu chia sẻ: “Mùa khô thì con đê đất này là con đường độc đạo nối xóm cù lao với trung tâm xã. Tuy con chạy xe đạp đi học được nhưng cứ mưa xuống thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Còn tới mùa lũ thì con đã bảy năm ngồi đò đi học. Nhưng con sẽ cố gắng học tập thật giỏi như bảy năm qua và sẽ quyết tâm đỗ đại học như những anh chị ở xóm này”.

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG, THANH DŨNG, HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/muon-neo-toi-truong-cua-hoc-sinh-mien-song-nuoc-an-phu-615603/