Muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm của người thân đã mất, phải làm sao?

Người thừa kế muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm của người thân đã mất thì cần liên hệ tổ chức hành nghề công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Thời gian qua, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc liên quan đến việc rút tiền trong tài khoản ngân hàng của người đã mất. Đây là quyền lợi chính đáng của những người thừa kế, tuy nhiên không phải ai cũng có thể lấy ra suôn sẻ.

Muốn rút tiền phải khai di sản thừa kế

Trao đổi với PV, bạn đọc L.T.Đ (quận 8, TP.HCM) cho biết, cha của anh bị ung thư và mất vào cuối năm 2023, không để lại di chúc. Ông bà nội của anh Đ cũng đã mất cách đây 30 năm, hiện chỉ còn mẹ anh Đ cùng hai người con.

Mới đây mẹ của anh Đ phát hiện một sổ tiết kiệm 8 triệu đồng do cha của anh đứng tên. Gia đình đến ngân hàng nơi ông mở sổ tiết kiệm để xin rút khoản tiền trên thì được nhân viên ngân hàng hướng dẫn đến tổ chức hành nghề công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

 Muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm của người thân đã mất, những người thừa kế phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH

Muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm của người thân đã mất, những người thừa kế phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH

Ba mẹ con anh Đ sau đó đến văn phòng công chứng gần nhà để khai nhận di sản thừa kế thì được hướng dẫn nộp hồ sơ gồm giấy khai tử, giấy khai sinh của người mất và các giấy tờ tùy thân chứng minh mối quan hệ nhân thân của những người thừa kế. Tuy nhiên gia đình không tìm được giấy khai sinh của cha anh Đ nên đề nghị dùng căn cước công dân thay cho giấy khai sinh thì được hướng dẫn liên hệ công an địa phương để xin xác nhận mã định danh của người mất. Anh Đ liên hệ cơ quan công an thì họ từ chối.

Anh Đ thắc mắc, theo quy định pháp luật thì trong trường hợp này gia đình anh phải làm gì để nhận được số tiền 8 triệu đồng trong sổ tiết kiệm của cha để lại?

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lưu Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Công chứng số 3, TP.HCM, cho biết: Khi khai nhận di sản thừa kế, chúng ta cần xác định thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật; tiếp đến là xác định hàng thừa kế.

Với dữ liệu anh Đ cung cấp, người cha chết không để lại di chúc nên thủ tục khai nhận di sản thừa kế sẽ được áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật. Về đối tượng được hưởng thừa kế, ở đây cha và mẹ của người để lại di sản chết trước người này, hiện chỉ còn vợ và hai người con. Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất chính là vợ và hai người con của người này (trong đó có anh Đ).

Để được hưởng di sản thừa kế thì gia đình anh Đ cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của những người được hưởng di sản đối với tài sản của người đã mất. Thủ tục này được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, theo Luật Công chứng 2014.

Cụ thể, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Hồ sơ nộp tại VPCC để thực hiện khai nhận di sản thừa kế gồm:

- Giấy đề nghị khai nhận di sản thừa kế.

- Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn,...

- Giấy tờ chứng minh tài sản thừa kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm...;

- Bản kê khai di sản thừa kế: Liệt kê tất cả tài sản của người để lại di sản, giá trị và tình trạng tài sản;

- Giấy tờ khác theo yêu cầu của công chứng viên.

"Sở dĩ, văn phòng công chứng đề nghị gia đình anh Đ (trong câu chuyện nêu trên) cung cấp giấy khai sinh của người mất là vì trong quá trình thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, một trong những yêu cầu pháp lý bắt buộc là người thừa kế phải chứng minh được quan hệ nhân thân với người để lại di sản nhằm xác định hàng thừa kế, thông qua các giấy tờ hộ tịch, trong đó có giấy khai sinh", ông Lưu Văn Toàn nói.

Cụ thể, trong trường hợp này, dù ba mẹ của người mất đã không còn nhưng cần giấy khai sinh của người mất để chứng minh mối quan hệ và sau đó sử dụng giấy chứng tử của ba mẹ người mất (tức ông bà nội anh Đ) để xác định số người được hưởng thừa kế tại thời điểm khai di sản.

 Ông Lưu Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Công chứng số 3.

Ông Lưu Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Công chứng số 3.

Không có giấy khai sinh có được khai nhận di sản thừa kế?

Cũng theo ông Toàn, với trường hợp của anh Đ, gia đình không còn lưu giữ giấy khai sinh của người đã mất thì một trong những người thừa kế có thể liên hệ Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền (UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện…) để yêu cầu cấp bản sao từ bản gốc giấy khai sinh của cha.

Trường hợp vẫn không đủ cơ sở dữ liệu để cấp bản sao giấy khai sinh thì có thể trình bày với công chứng viên để được linh động hỗ trợ bằng các giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân theo quy định tại Nghị định số 62/2021 như: Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm có: quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.

Thực tế, một số loại giấy tờ có thể được cân nhắc như: lý lịch đảng viên; lý lịch cán bộ, công chức, viên chức,…

Tuy nhiên, ông Toàn lưu ý rằng tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi đọc, thẩm định toàn bộ hồ sơ mà công chứng viên sẽ cân nhắc, đánh giá trên cả tính hợp pháp và tính hợp lý. Đây là nguyên tắc bảo đảm vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc khai nhận di sản thừa kế.

Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế, khi người dân liên hệ ngân hàng để nhận tiền trong sổ tiết kiệm thì nhân viên ngân hàng sẽ căn cứ vào văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được lập để chi trả theo quy định.

NGUYỄN CHÍNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/muon-rut-tien-trong-so-tiet-kiem-cua-nguoi-than-da-mat-phai-lam-sao-post842621.html