Mượn tên người khác để đăng ký kết hôn có thể bị xử lý hình sự không?
Sự việc chị N (Thuận Hà, Đắk Song, Đắk Nông) mượn tên của chị gái mình là chị H để đăng ký kết hôn với anh T vào tháng 4/2013 (khi đó chị N 17 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn), sau khoảng 11 năm mới bị phát giác khiến không ít người ngỡ ngàng.
Nhiều người cho rằng, việc chị N mượn tên chị gái mình để đăng ký kết hôn là hành vi vi phạm các quy định về độ tuổi kết hôn. Cả chị N và anh T đều sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều này có đúng không?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư - ThS Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện bao gồm nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định.

Người phụ nữ tại Đắk Nông vì không đủ tuổi nên đã lấy thông tin của chị gái để đăng ký kết hôn. Ảnh minh họa: Uy Nguyễn.
Việc mượn tên người khác để đăng ký kết hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể:
Xử phạt hành chính: Theo Điều 28 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký kết hôn có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Xử lý hình sự (nếu hành vi nghiêm trọng): Nếu hành vi mượn tên người khác để đăng ký kết hôn nhằm lừa đảo, trục lợi hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, có thể bị xử lý theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Vi phạm chế độ một vợ một chồng".
Nếu có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù đến 7 năm.
"Đối chiếu với trường hợp này, chị N mới 17 tuổi chưa đủ tuổi kết hôn. Việc chị N mượn thông tin của chị gái, tức chị H để đăng ký kết hôn là không hợp pháp, không đủ điều kiện kết hôn theo quy định.
Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở kết hôn; cấm kết hôn giả tạo... Trong trường hợp này, nếu chính quyền địa phương phát hiện và nhận biết được chị N sử dụng họ tên người chị để đăng ký kết hôn, khi chưa đủ tuổi (tảo hôn) thì chị N sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP với số tiền cao nhất lên đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sự việc đến nay mới phát hiện nên đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính", luật sư Giang thông tin.

Luật sư - ThS Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, về mặt hành chính, việc đăng ký kết hôn sai sót đã gây ra hệ lụy pháp lý. Cán bộ UBND xã Thuận Hà có thể bị xử lý trách nhiệm theo quy định về quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, những cán bộ này chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm vì đã hết thời hiệu xử lý hành chính.
Ngày 21/2, lãnh đạo UBND xã Thuận Hà (huyện Đắk Song, Đắk Nông) xác nhận, trên địa bàn có vụ việc một phụ nữ "mượn" tên người thân để đăng ký kết hôn không đúng quy định.
Cụ thể, tháng 4/2013, chị N và anh T đến UBND xã Thuận Hà đăng ký kết hôn. Thời điểm này, chị N mới 17 tuổi, không đủ độ tuổi để đăng ký kết hôn theo quy định. Do đó, chị N đã lấy thông tin của chị gái mình là chị H để đăng ký. UBND xã Thuận Hà sau đó đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho anh T và chị H.
Riêng chị H sau đó đã kết hôn với một người đàn ông khác và vẫn được UBND xã Thuận Hà cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Việc này đồng nghĩa là chị H có tên trong 2 tờ giấy đăng ký kết hôn.
11 năm sau, khi vợ chồng chị N làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho người con thứ 3, cán bộ của UBND xã Thuận Hà mới phát hiện ra sự việc hy hữu này.
Một cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Thuận Hà cho biết, vào tháng 9/2024, vợ chồng chị N đăng ký làm giấy khai sinh cho người con thứ 3. Chị N trình bày, muốn để tên của mình ở phần tên người mẹ trong giấy khai sinh cho con, thay vì tên của chị gái như trong giấy kết hôn nên xã phát hiện ra việc "mượn" tên để đăng ký kết hôn.
Các cán bộ xã Thuận Hà đã giải thích, hướng dẫn vợ chồng chị N làm đơn gửi tòa án để hủy việc đăng ký kết hôn trái pháp luật giữa anh T và chị H. Sau đó, TAND huyện Đắk Song đã có bản án tuyên hủy hôn nhân không hợp pháp này.