Muốn tham gia thị trường toàn cầu, chúng ta phải phát triển bền vững
Muốn tham gia thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị, chúng ta phải phát triển bền vững. Yếu tố này sẽ giúp chúng ta nâng tầm giá trị và định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam.
"Phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc"
Đó là đánh giá của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Theo ông Khanh, muốn tham gia thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị, chúng ta phải phát triển bền vững.
"Có yếu tố phát triển bền vững sẽ giúp chúng ta nâng tầm giá trị và giúp định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu", ông Ngô Chung Khanh bộc bạch.
Nếu chúng ta quan tâm đến phát triển bền vững thì đó là yếu tố rất quan trọng để xây dần giá trị thương hiệu, từ đó chúng ta mang tiền về nhiều hơn. "Ví dụ như 10 đồng xuất khẩu, chúng ta có thể mang về đến 7-8 đồng cho người Việt Nam. Đó là mấu chốt", ông Khanh phân tích.
Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cho rằng: Việt Nam cũng có mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững, liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng không. Chúng ta có tham vọng bằng với EU là sẽ đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050.
"Rất mong Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan giới thiệu với các doanh nghiệp về những kênh có thể huy động tài chính để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ, có những ưu đãi để họ chuyển dịch xanh", bà Loan nói.
Theo bà Loan, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế cũng đã sẵn sàng vào cuộc cùng với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cam kết chuyển đổi bằng hoặc sớm hơn so với cam kết của Chính phủ sẽ được nhận những ưu đãi về lãi suất và những hỗ trợ không hoàn lại liên quan đến tăng cường năng lực.
Tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể: "Tôi đã từng nói về câu chuyện này với các doanh nghiệp và nhận được phản ứng là không, đây không phải cơ hội, đây trước hết là thách thức.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta gọi là trong nguy có cơ là đúng. Đúng là thách thức mà doanh nghiệp bắt buộc phải đối mặt, phải thực hiện, nhưng trong đó cũng có cơ hội nếu chúng ta nhìn đường dài, nhìn xa và là một xu hướng không thể thay đổi. Đó gần như là dòng chảy của thế giới, và là dòng chảy chính. Vì thế, nếu chúng ta muốn phát triển bền vững và lâu dài, tất nhiên phải đi theo dòng chảy đấy", bà Trang nói.
Bà Trang chia sẻ: EU đang là khu vực đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu (COP26), có nhiều nước hứa hẹn nhưng thực hiện thực sự mới có EU đi đầu. Cho nên, nếu chúng ta làm được với thị trường EU thì chúng ta cũng không lo lắng gì với tất cả các thị trường khác.
Tham luận của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế xã hội mới đây cho rằng: Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Đây là cơ hội lớn để các địa phương lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Nếu chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh.
Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.
"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế.
“Thịnh vượng về kinh tế gắn liền tính bao trùm và tính bền vững về môi trường, chống chịu hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc”, nhóm tác giả nhận định.