'Muốn thành công phải đi đường dài'
Theo Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, LÊ ANH, nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang nỗ lực khẳng định tên tuổi thông qua tác phẩm giàu cá tính, kể những câu chuyện đương đại một cách độc đáo, sáng tạo... Tuy nhiên, với xu hướng tiếp cận thông tin nhanh như hiện nay, nghệ sĩ cũng gặp nhiều khó khăn để tạo được dấu ấn trong công chúng.
Câu chuyện riêng - chung về đời sống đương đại
- Miêu tả bức tranh đời sống mỹ thuật trẻ hiện nay, chị sẽ nói về nó như thế nào?
- Bức tranh đời sống mỹ thuật trẻ rất phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Điều đó trước tiên xuất phát từ chính bản thân nghệ sĩ với đời sống cá nhân, nội tâm hết sức phức tạp. Đại đa số nghệ sĩ trẻ được học tập, đào tạo từ môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, bài bản, chính quy, mỗi người có suy nghĩ, lối tư duy riêng, câu chuyện riêng, quan điểm sáng tạo độc lập. Sân chơi nghệ thuật dành cho họ ngày càng nhiều, do đó họ có nhiều cơ hội thể hiện, nhiều lựa chọn trên đường nghề…
Về sáng tác, cơ bản, nghệ sĩ vẫn sử dụng chất liệu truyền thống như sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy dó, acrylic, đá, sắt, gỗ, gốm… Ngoài ra, một số nghệ sĩ thử nghiệm sắp đặt, vẽ trên vải, ứng dụng đồ họa với nhiều hình thức khác nhau về in ấn… Tất cả mang tới những câu chuyện riêng - chung về đời sống đương đại.
- Câu chuyện mà các nghệ sĩ trẻ muốn kể về đời sống xã hội đương đại là gì?
- Không dễ để nêu ra một câu chuyện cụ thể vì mỗi người có một hướng đi khác biệt nhưng nhìn chung, thế hệ nghệ sĩ 9X, đặc biệt là thế hệ nghệ sĩ gen Z đang hướng mối quan tâm nhiều đến sự biến đổi của môi trường, mối tương quan giữa cá nhân với cộng đồng... Họ hòa nhập, quan sát và mô phỏng lại chúng qua lăng kính thế hệ, lấy đó làm cảm hứng để sáng tác, để cất lên tiếng nói, thể hiện cá tính nghệ thuật.
- Môi trường nghệ thuật, đối tượng công chúng ngày càng mở rộng; theo chị, con đường nghệ thuật của người trẻ hôm nay có thuận lợi và thách thức gì?
- Tôi cho rằng con đường nghệ thuật của các họa sĩ trẻ hôm nay rất nhiều thuận lợi. Ngày trước, không gian nghệ thuật ít hơn, số lượng triển lãm cũng không nhiều như bây giờ. Công chúng của mỹ thuật là một cộng đồng nhỏ; người thực sự yêu và dành mối quan tâm, thường xuyên theo dõi đời sống nghệ thuật, nhà sưu tập đa phần đến từ nước ngoài... Ngày nay, phương tiện thông tin trở thành kênh chia sẻ, lan tỏa rất nhanh, thu hút đông đảo đối tượng đến với hội họa. Đặc biệt là người Việt trẻ bây giờ yêu thích, dành sự ủng hộ cho nghệ thuật nước nhà ngày càng nhiều. Số lượng nhà sưu tập trong nước ngày càng tăng. Đó là động lực lớn cho nghệ sĩ trẻ.
Tuy nhiên, thách thức cũng đến từ bối cảnh ấy. Khi điều kiện sáng tác thuận lợi, lực lượng nghệ sĩ đông đảo hơn, sân chơi nghệ thuật nhiều hơn, phong phú hơn, làm thế nào để khẳng định mình, làm cho tác phẩm nổi bật, khác biệt giữa một “rừng” tác phẩm không dễ dàng. Rồi sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội… nên việc sao chép hay tạo ra những tác phẩm na ná nhau cũng rất dễ xảy ra. Chưa kể, với xu hướng tiếp cận thông tin nhanh, nghệ sĩ càng khó khăn hơn trong việc tạo được dấu ấn trong công chúng.
Tiếp sức đường dài
- Nhưng rõ ràng trong thời đại truyền thông mạng xã hội phát triển như hiện nay, nghệ sĩ sẽ rất dễ trở nên“nổi tiếng”…?
- Thực ra điều này không đúng lắm với các nghệ sĩ ngành mỹ thuật. Họ không giống các ca sĩ, nhạc sĩ có thể nổi tiếng sau một đêm, một chương trình. Để tên tuổi được công nhận, họa sĩ phải nỗ lực sáng tác, duy trì mạch sáng tác đó cho hay hơn, lạ hơn, hoặc là tiếp tục tìm tòi, kể câu chuyện khác, sáng tác theo một hướng khác. Nghệ sĩ trẻ tính từ khi ra trường, khởi nghiệp, trung bình phải dành 2 - 3 năm, thậm chí 5 - 10 năm ấp ủ, theo đuổi đề tài để có thể cho ra một triển lãm cá nhân. Nói chung, nghệ sĩ mỹ thuật muốn thành công phải đi đường dài.
- Có người nhận định thế này: “Nghệ sĩ trẻ, nhưng sáng tác rất “già”. Tác phẩm giống như cha ông họ ngày trước thực hiện, với những vấn đề cũ, lối kể chuyện cũ, thiếu đột phá. Đây cũng là thực trạng chung của mỹ thuật trẻ Việt Nam”. Chị nghĩ sao về ý kiến đó?
- Tôi không nghĩ nghệ sĩ trẻ bây giờ thiếu đột phá đâu. Rất nhiều nghệ sĩ đã và đang khẳng định tên tuổi thông qua tác phẩm giàu cá tính, kể những câu chuyện đương đại một cách độc đáo, sáng tạo. Nhìn riêng trong CLB Nghệ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, có nhiều cái tên gây ấn tượng. Về hội họa có Vàng Hải Hưng, Đào Đức Lộc, Cao Văn Thục, Vũ Hoàng, Vũ Tuấn Việt, Nguyễn Văn Trinh, Nguyễn Tuấn Dũng… Điêu khắc có Nguyễn Ngọc Long, Trần Công Định, Nguyễn Tuấn Hoàng, Đinh Duy Tôn, Phạm Đình Tuấn… Đồ họa có Tử Mộc Trà, Trịnh Ngọc Lê, Bùi Quỳnh Giang, Nguyễn Bách… Có những cái tên mới xuất hiện nhưng gây nhiều sự chú ý thích thú như Nguyễn Nhật Anh, Trần Mỹ Anh, Trịnh Thu Vân…
Rõ ràng, cả một thế hệ đang tích cực hoạt động nghệ thuật, đánh dấu nỗ lực sáng tạo qua từng tác phẩm. Ở góc độ cá nhân, tôi vẫn thích các nghệ sĩ già dặn nội dung, suy nghĩ sâu sắc vấn đề. Bởi nghệ thuật vốn giàu tính ẩn dụ, quan trọng là tác phẩm nói lên điều gì, có tác động đến xã hội, tạo nên sự rung cảm cho công chúng hay không. Một xã hội hiện đại, chịu tác động bởi dòng chảy nhanh, mạnh của công nghệ, chúng ta cần những tiếng nói như thế từ các nghệ sĩ trẻ.
- Là Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, chị kỳ vọng gì về sân chơi dành cho họa sĩ trẻ hiện nay?
- Thời gian qua, thông qua các triển lãm quy mô lớn - nhỏ, tiếp xúc với nghệ sĩ, cảm nhận tác phẩm, tôi biết tình yêu, đam mê, sự tận tâm dành cho nghệ thuật trong họ rất lớn. Các thế hệ nghệ sĩ vẫn kết nối, lan tỏa, góp tiếng nói trong một sân chơi chung, tạo ra sự tiếp nối thế hệ. Tất nhiên, cơm áo gạo tiền để làm nghệ thuật là cái khó không riêng ngành mỹ thuật. Nhiều họa sĩ mới ra trường rất ít ai biết, cơ sở hạ tầng cũng chưa đủ mạnh để có thể hỗ trợ những không gian nghệ thuật nhỏ, tạo tiền đề cho nghệ sĩ mới.
Tôi mong muốn nghệ sĩ trẻ tiếp tục được hỗ trợ, quan tâm hơn về điều kiện vật chất, không gian trải nghiệm, thực hành, kết nối nghệ sĩ trong nước và nước ngoài… Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nghệ sĩ trẻ phát triển, bứt phá thời gian tới.
- Xin cảm ơn chị!