Muốn thể thao cất cánh, cần đầu tư hạ tầng!
Hiện nay ngành Thể dục thể thao đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cùng với đó, nhu cầu hoạt động, hưởng thụ các thành quả trong lĩnh vực này của người dân cũng ngày càng cao. Do đó, việc cải thiện, nâng cao chất lượng các cơ sở kết cấu hạ tầng thể thao cần có những hướng đi mới, hiệu quả.
Thể dục thể thao là lĩnh vực được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ. Cùng với ý chí quyết tâm của các nhà quản lý thể thao, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia…trong những năm qua, thể thao Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận ở các đấu trường khu vực, châu Á và thế giới.
Tại các kỳ SEA Game, Việt Nam luôn đứng trong top đầu, nhiều vận động viên các môn thể thao Olympic, môn thể thao ASIAD đã đạt huy chương vàng châu Á và Olympic. Đặc biệt, Bóng đá Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục; thành tích của Bóng đá Việt Nam đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, thông qua đó góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, tạo niềm tin về một Việt Nam trên đà phát triển.
Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao trong cả nước đã được tăng cường, mở rộng. Chủ trương kết hợp các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao bước đầu đã thu được kết quả, phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân. Nhiều chính sách mới về thiết chế văn hóa, thể thao, định mức sử dụng đất cho hoạt động thể dục thể thao được ban hành. Chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đầu tư cho thể thao. Hợp tác quốc tế về thể dục thể thao ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực thể thao đã được các nhà quản lý, các chuyên gia quan tâm.
Ông Nguyễn Cảnh Thắng, đại diện Công ty CP thể thao Hà Nội T&T (Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội) cho biết, Bóng đá Việt Nam thời gian gần đây đã có những bước tiến đáng kể, tiêu biểu nhất có thể kể đến là chiến công của đội tuyển nữ khi xuất sắc lần đầu tiên giành vé trực tiếp tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Bên cạnh đó, đội tuyển nam lần đầu tiên góp mặt tại Vòng loại cuối FIFA World Cup Qatar 2022 cũng đã tạo nên dấu ấn lớn và được đánh giá là bước tiến đột phá của bóng đá Việt Nam trong hành trình hướng tới giấc mơ World Cup. Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến sự đóng góp của các câu lạc bộ tại Việt Nam, điển hình như Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Năm 2023, câu lạc bộ này sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự AFC Champions League 2023/2024, giải đấu hàng đầu cấp câu lạc bộ châu Á.
Thành tích là vậy, tuy nhiên ở cả cấp độ đội tuyển Quốc gia cũng như cấp các câu lạc bộ đang đối mặt với tình trạng chưa đáp ứng cơ sở vật chất để phục vụ công tác ăn ở, tập luyện cũng như thi đấu. Thực trạng các sân vận động tại Việt Nam hiện nay đều rất xuống cấp, cùng với khu nhà ở cho các vận động viên, các cơ sở vật chất này xây dựng từ 10 - 20 năm về trước, hằng năm không có kinh phí bảo trì, duy tu hoặc rất ít được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Các sân vận động này phần lớn chỉ được phép khai thác các hoạt động thể thao, không được phép hoặc chưa đủ cơ sở pháp lý để khai thác kinh doanh thương mại theo Luật Tài sản công, dẫn đến không có nguồn thu để tự trang trải và bảo trì nâng cấp thường xuyên.
Tiến sĩ Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Về số lượng công trình thể thao theo tiêu chí cơ bản (Sân vận động, Nhà thi đấu, Bể bơi) chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao cũng như nhu cầu tập luyện của các tầng lớp nhân dân. Các công trình hiện đại không nhiều, một số công trình hiện đại chủ yếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành phố mới được đầu tư Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nam.
Nhiều Trung tâm thể thao từ Trung ương đến địa phương đã được quy hoạch nhiều năm, đến nay vẫn chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai xây dựng. Quy hoạch đất giành cho các Trung tâm thể thao, các thiết chế thể thao từ Trung ương đến nhiều tỉnh, thành phố chậm đầu tư, khai thác sử dụng gây lãng phí. Nhiều hạng mục công trình thể thao dần bị xuống cấp,…
Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang soạn thảo trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với các quan điểm phát triển, và mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các nội dung giải pháp thực hiện.
Để thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đi vào cuộc sống và thể dục thể thao phát triển một cách bền vững, phát huy hết tiềm năng và lợi thế, Tiến sĩ Vũ Thái Hồng đề xuất bổ sung lĩnh vực Thể dục thể thao được vào danh sách lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác PPP.
Tiến sĩ Vũ Thái Hồng: Thể dục thể thao là chính sách kinh tế - xã hội quan trọng, được mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm, thông qua thể thao đã quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam hòa bình, thân thiện, mến khách và có môi trường đầu tư lành mạnh. Vì vậy, đối với Thể dục thể thao, các dự án liên quan cũng ngày càng trở nên quan trọng và là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/muon-the-thao-cat-canh-can-dau-tu-ha-tang-158616.html