Muôn vàn kiểu đón năm mới kỳ lạ và thú vị
Từ hàng nghìn năm qua, con người trên khắp thế giới đã có những nghi lễ khác nhau để chào đón năm mới. Nhưng tựu chung lại mỗi nghi lễ đều mang ý nghĩa củng cố sức mạnh và niềm tin của người dân vào một năm mới với những điều tốt đẹp hơn năm cũ.
Nghi lễ tắm nước đá đầu năm
Việc tắm nước lạnh trong ngày đầu năm mới, hay còn gọi là Polar Bear Dip, là một truyền thống hàng năm có từ hơn một thế kỷ - một sự kiện xã hội có lẽ có khả năng gắn kết những người xa lạ. Một số lợi ích của nó đối với sức khỏe khiến hoạt động này đang thu hút được nhiều người tham gia hơn. Hầu như rất ít bằng chứng khoa học về điều này, nhưng có thể nhận thấy một đặc điểm chung của những người tham gia, đó là họ có thể lực rất tốt. Một số chuyên gia đồng ý rằng không phải ai cũng có thể lao xuống nước lạnh và trên thực tế việc này có thể gây nguy hiểm cho một số người. Tuy nhiên, có một số bằng chứng về lợi ích về tinh thần trong ngắn hạn. Các nghiên cứu về việc tiếp xúc với nước lạnh đã phát hiện ra sự tăng đột biến về mức độ noradenaline và dopamine của người tham gia. Cả hai đều là hormone và chất dẫn truyền thần kinh làm cho người ta tỉnh táo và vui vẻ, cùng với các biểu hiện tích cực khác. Có lẽ điều đó giải thích vì sao vào đầu năm mới, nhiều người dân ở các vùng đất khác nhau từ Nhật bản, Croatia và Canada lại tắm nước lạnh khi nhiệt độ dưới âm. Bởi họ muốn có một tâm trạng sảng khoái để bắt đầu một năm mới.
Tại Nhật Bản, bất chấp thời tiết giá lạnh, nhiều người dân vẫn tổ chức nghi lễ này để cầu nguyện cho bản thân, gia đình và mọi người một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn.
Vào ngày lễ, người dân địa phương và du khách phải dậy thật sớm, tụ tập tại đền để nhảy múa, ca hát và đón bình minh trước khi tắm nước đá. Nghi lễ tắm nước đá của người Nhật bắt nguồn từ Thần đạo, có từ năm 1955, lấy cảm hứng từ việc một vị linh mục té nước lạnh lên người để cầu nguyện sự bình an cho cộng đồng địa phương.
Năm nay, rất đông người kéo đến đền thờ Kanda ở Tokyo, tham gia nghi lễ tắm nước đá đầu năm. Với màn khởi động, những người tham gia nghi lễ cùng nhảy múa, hô những câu thể hiện tinh thần lễ hội cũng như làm ấm người trước khi ngâm mình trong bể nước đá. Đây vốn là nghi lễ truyền thống quan trọng với niềm tin thanh lọc tâm hồn, chào đón một năm mới đến. Sau khi tắm nước lạnh, những người tham gia sẽ tiến hành thực hiện các động tác cầu nguyện theo truyền thống. Người dân Nhật Bản năm nay đều cầu mong đất nước sớm hồi phục sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter vừa xảy ra đầu năm.
Ông Mototsugu Matsuura – Bác sỹ nha khoa chia sẻ: “Một trận động đất lớn xảy ra ở bán đảo Noto (vào ngày đầu năm mới 2024), và vào ngày thứ hai (trong năm mới), chiếc máy bay chở hàng cứu trợ cho vùng chịu hậu quả động đất đã gặp tai nạn. Chúng tôi đã có một khởi đầu hết sức bi thảm. Nên hôm nay tôi tham gia lễ thanh tẩy để cầu mong đất nước nhanh chóng phục hồi sau thảm họa.”
Tại Canada, bất chấp nhiệt độ ở Toronto giảm mạnh xuống mức âm 10 độ C, một số người vẫn xuống tắm ở hồ Ontario. Chị Martina Marek đã tổ chức nhóm này sau khi nghiên cứu những lợi ích tích cực của việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đối với sức khỏe, bao gồm tuần hoàn tốt hơn, giảm viêm và có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
Vàng - Biểu tượng của sự thịnh vượng
Màu đỏ được cho là mang lại may mắn, tình yêu trong năm mới. Trong khi màu vàng tượng trưng cho của cải, tiền bạc. Bởi vàng là kim loại quý và bản thân sắc vàng khiến nó trở thành biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng. Ngoài ra, một số huyền thoại và truyền thuyết cho rằng vàng được dùng để xua đuổi ma quỷ. Tháng Chạp trước Tết Nguyên đán là một trong những tháng bận rộn nhất của các cửa hàng vàng. Đồ trang sức bằng vàng có xu hướng trở thành món quà phổ biến nhất được mua và tặng cho những người thân yêu trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, vàng miếng và tiền xu cũng là một lựa chọn yêu thích của nhiều người, vì vàng được coi là khoản đầu tư đáng giá. Tặng những người thân yêu một miếng vàng hoặc đồng tiền vàng sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho họ trong năm tới.
Nhu cầu về vàng tăng đến đỉnh điểm ở Trung Quốc trước Tết Nguyên đán. Dòng người không ngớt kéo tới về một cửa hàng vàng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bất chấp giá vàng tăng cao. So với mức 420 nhân dân tệ (khoảng 59 đô la Mỹ) mỗi gram của năm ngoái, mức giá 600 nhân dân tệ (khoảng 84 đô la Mỹ) mỗi gram năm nay không ngăn cản người tiêu dùng mua vàng, với số lượng người mua trẻ tuổi ngày càng tăng. Nhiều người chọn mua vàng miếng của ngân hàng vì nó có thể bảo toàn giá trị. Và trong số các thiết kế đa dạng, đồ trang sức có hình rồng rất được ưa chuộng.
Theo truyền thống lâu đời ở Trung Quốc, vàng tượng trưng cho quyền lực tối cao của các Hoàng đế. Người Trung Quốc thường mua các đồ vật bằng vàng như đồ trang sức, vàng miếng để tặng người thân nhằm mang lại may mắn trong năm mới. Mua vàng là một dấu hiệu của sự may mắn và tài lộc. Người ta cho rằng khoảng 70% người Trung Quốc quan tâm đến phong cách sống và thời trang tin rằng vàng sẽ mang lại may mắn cho người sở hữu.
Quên đi ký ức buồn, chào đón vận may mới
Vào thời khắc chuyển giao, các dân tộc khác nhau lại có những cách khác nhau để quên đi những điều không may mắn trong năm cũ và cầu mong một năm mới nhiều điều tốt lành. Trong khi ở nhiều nước phương Đông, người ta kiêng làm vỡ chén đĩa vào đầu năm mới vì sợ đen đủi, đổ vỡ, thì người dân ở nhiều nước khác lại quan niệm, để quên đi những ký ức không vui, có một tâm hồn rộng mở đón những điều mới tốt đẹp hơn, nhiều người chọn cách đập vỡ những cốc chén, chai lọ và đồ gia dụng đã cũ. Và người Đan Mạch tin rằng, bát đĩa vỡ trong năm mới sẽ đem đến may mắn, đống bát đĩa vỡ càng to thì càng may mắn hơn.
Vào khoảnh khắc đầu năm, người Đan Mạch mang theo bát đĩa, đồ sành sứ đã cũ và không dùng đến đập vỡ trước cửa nhà bạn bè. Hành động này tương tự như một lời chúc phúc. Gia đình nào có nhiều mảnh chén đĩa vỡ trước cửa chứng tỏ càng được yêu mến.
Tại một góc nhỏ của ở Quảng trường thời đại, nhiều người dân háo hức tham gia chương trình có tên “Ngày thoát đen đủi”, người tham gia sẽ được viết một điều mà bản thân họ cho là đen đủi lên một tờ giấy, sau đó người tổ chức sẽ đốt tờ giấy này, hàm ý rằng những điều đen đủi sẽ tiêu tan.
Ông TJ Witham - Phó Chủ tịch truyền thông Quảng trường Thời đại chia sẻ: “Đây là năm thứ 17 chúng tôi tổ chức ngày thoát đen đủi tại Quảng trường Thời đại. Sự kiện này là cơ hội để nhìn lại một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp sắp tới, giúp bạn quên đi một số điều tiêu cực đã xảy ra, những điều không may mắn và những điều bạn muốn rũ bỏ trước khi đón năm mới sắp đến.”
Và vào khoảnh khắc đồng hồ điểm sang năm mới, các cặp đôi - là tình nhân, bạn bè, người thân hay thậm chí là người xa lạ - sẽ cùng trao nhau nụ hôn nồng thắm để chúc mừng. Theo Alexis McCrossen, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Southern Methodist, truyền thống này đã có từ vài trăm năm trước. Ở Quảng trường Thời đại, New York, mỗi năm vào đêm giao thừa đều có lễ thả quả cầu ánh sáng khổng lồ. Lễ hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy đã biến Quảng trường Thời đại trở thành điểm đón năm mới ấn tượng bậc nhất trên thế giới. Ngay thời khắc này, mọi người cùng cụng ly sâm-panh và dành cho nhau những cái ôm, nụ hôn ấm áp.
Trong văn hóa dân gian Anh và Đức cũng đã tồn tại truyền thống: các cặp đôi sẽ trao nhau nụ hôn vào nửa đêm khi bước sang năm mới để nuôi dưỡng mối tình lãng mạn, đồng thời giúp họ thêm gắn kết hơn. Họ cũng tin rằng, nếu bạn gặp ai vào đúng thời khắc đầu năm sẽ xác định 12 tháng tiếp theo diễn ra thế nào. Ngược lại, nếu không hôn ai đó vào năm mới sẽ dẫn tới cuộc sống tình cảm thiếu tình yêu, thậm chí cô đơn.
Pháo hoa chào năm mới rực rỡ
Bắn pháo hoa là màn chào đón năm mới phổ biến ở hầu khắp châu lục, từ châu Á, châu Âu sang châu Mỹ, châu Phi hay Australia. Người dân khắp nơi trên thế giới đều chờ đón khoảnh khắc “0 giờ” khi những chùm pháo rực rỡ, đủ hình dáng, màu sắc thắp sáng bầu trời ở các công trình biểu tượng. Pháo hoa bắt nguồn từ Trung Quốc vào vương triều nhà Hán (khoảng năm 200 trước Công nguyên), với quan niệm 'pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng, năm mới càng may mắn'.
Nhiều nhà sử học cho rằng những quả pháo hoa sơ khai được người Trung Quốc phát minh vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, xuất phát từ việc ném những thân cây tre vào đống lửa, phát ra tiếng nổ nhỏ. Đến thế kỷ thứ 7, quả pháo hoa hoàn thiện đầu tiên được tạo thành bởi kali nitrat, lưu huỳnh và than, đổ vào trong ống tre. Pháo hoa được sử dụng trong các buổi sinh hoạt văn hóa tập thể, lễ hội của người Trung Hoa nói riêng và người phương Đông nói chung. Ngày nay, bắn pháo hoa đêm Giao thừa trở thành một phần không thể thiếu trong khoảnh khắc chuyển giao.
Người ta tin rằng ánh sáng và tiếng nổ của pháo hoa có thể xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo năm cũ. Những quả pháo tỏa sáng, bung tỏa ra không trung còn tượng trưng cho may mắn, bình an được lan tỏa. Những ai thấy quả pháo đầu tiên được bắn lên trời sẽ gặp may mắn trong năm mới. Pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng thì năm mới càng thuận lợi, hanh thông.
Pháo hoa ở các nước phương Tây được cho là du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 13-15, được sử dụng rộng rãi cho các lễ hội tôn giáo, giải trí công cộng. Những nhà cai trị ở châu Âu thích dùng pháo hoa để "mê hoặc thần dân" và chiếu sáng lâu đài của họ vào những ngày trọng đại. Người Italy là những người châu Âu đầu tiên chế tạo pháo hoa.
Ngày nay, Một trong những điểm nổi tiếng nhất thế giới với màn bắn pháo hoa đêm Giao thừa là cầu cảng Sydney (Australia). Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách khắp thế giới tới chiêm ngưỡng.
Có thể truyền thống đón năm mới của mỗi dân tộc có thể khác nhau, nhưng tựu chung lại đều mang ý nghĩa củng cố sức mạnh và niềm tin của người dân vào một năm mới với những điều tốt đẹp hơn năm cũ.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/muon-van-kieu-don-nam-moi-ky-la-va-thu-vi-219255.htm