Muôn vàn lý do khiến ly hôn ở Kế Sách tăng mạnh

Những năm qua, số lượng án hôn nhân, gia đình (HNGĐ) trên địa bàn huyện Kế Sách luôn tồn tại ở dạng năm sau cao hơn năm trước. Hiện lượng án HNGĐ ở Kế Sách đã đứng đầu tỉnh, vượt qua cả địa bàn TP. Sóc Trăng và phần lớn họ đều thuận tình ly hôn.

Theo thống kê của ngành tòa án, án HNGĐ ở Kế Sách cứ liên tục gia tăng ở từng năm. Cụ thể, năm 2016, Tòa án nhân dân huyện thụ lý 358 án HNGĐ; năm 2017, thụ lý 442 án (tăng 84 vụ so với cùng kỳ); năm 2018, thụ lý 584 án (tăng 142 vụ so với cùng kỳ, cao hơn 54 vụ so với TP. Sóc Trăng); chỉ từ đầu năm 2019 đến nay đã lên đến 475 án, bình quân mỗi ngày, Tòa án nhân dân huyện có thể thụ lý hàng chục án HNGĐ. Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, cứ sau dịp lễ, tết thì án HNGĐ cứ tăng, vì người dân gấp rút nộp đơn để đảm bảo cho việc làm ăn ở xa. Một điểm chung của án này là rơi vào các cặp vợ chồng trẻ tuổi.

Một phiên tòa xét xử về án HNGĐ tại Tòa án nhân dân huyện Kế sách. Ảnh: C.H

Một phiên tòa xét xử về án HNGĐ tại Tòa án nhân dân huyện Kế sách. Ảnh: C.H

Chia sẻ về nguyên nhân, đồng chí Thạch Viết Tâm - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kế Sách cho biết: Đối với án HNGĐ thì việc thuận tình ly hôn diễn ra khá phổ biến và ít có tranh chấp nên tòa án khó nắm được các nguyên nhân mâu thuẫn. Nhưng nhìn vào thực tế, các cặp vợ chồng kết hôn khá sớm, thời gian tìm hiểu không đủ để xây dựng nền tảng bền vững cho một gia đình hạnh phúc; hay một bên lại không biết lo làm ăn, không quan tâm chăm sóc gia đình và cũng không có lập trường bảo vệ gia đình; thậm chí có cặp vợ chồng còn đua đòi, bị cám dỗ bên ngoài dẫn đến ngoại tình và kéo theo gia đình đổ vỡ... Ngoài ra, có nhiều lý do khác tác động đến vấn đề ly hôn trên địa bàn huyện như: tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu chè, ma túy…); bị bạo hành, ngược đãi, bị xem thường, thiếu sự tôn trọng; cảnh trốn chạy nợ nần; đi làm ăn phương xa… Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là muôn màu, muôn vẻ và chỉ có người trong cuộc mới biết rõ vì sao mình ly hôn.

Trước tình trạng ly hôn gia tăng ở Kế Sách, Tòa án nhân dân huyện đã kiên trì hòa giải đoàn tụ và giải thích rõ hậu quả pháp lý khi ly hôn, nhất là sự thiệt thòi của các con chung khi chưa thành niên. Trong việc kiên trì hòa giải đoàn tụ, các thẩm phán đã phân tích cụ thể những nguyên nhân dẫn đến ly hôn để các đương sự có thể hiểu, thông cảm lẫn nhau. Từ đó, có thể tìm ra phương hướng giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tòa án còn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tìm tòi, học hỏi, bổ sung thêm những kiến thức về HNGĐ, xã hội nhằm giải quyết án được hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Điều quan trọng, các thẩm phán luôn nắm vững “căn cứ cho ly hôn” trước khi quyết định. Ngoài việc giải quyết cho ly hôn với người bị tòa án tuyên bố mất tích, còn lại các trường hợp khác phải xem xét ở hai khía cạnh như: tình trạng trầm trọng, đời sống chung giữa vợ chồng không thể kéo dài (dù đã hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tình trạng trên) và mục đích của hôn nhân không đạt được.

Tình trạng án HNGĐ gia tăng không riêng gì ở huyện Kế Sách mà còn là tình hình chung của tỉnh. Bởi các cặp vợ chồng, nhất là giới trẻ chưa thật sự nhận thức hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình. Trước khi kết hôn, họ không có kiến thức và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Trong cuộc sống, các cặp vợ chồng thiếu sự lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng, nhường nhịn bạn đời của mình.

Theo đồng chí Thạch Viết Tâm, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và chia sẻ, vận động từ đoàn thể, nhất là tuyên truyền sâu rộng về đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lòng chung thủy, trách nhiệm giữa vợ chồng, con cái… Bên cạnh đó, đề nghị các ngành, các cấp cần quan tâm đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm để giúp người lao động có được công việc ổn định hơn.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/muon-van-ly-do-khien-ly-hon-o-ke-sach-tang-manh-31382.html