Muôn vàn niềm thương nhớ!

Đúng 6 giờ, ngày 14-8, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghi thức treo cờ rủ được tiến hành trang trọng, bắt đầu Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Cùng thời gian này, các cơ quan, công sở, nơi công cộng trên cả nước đồng loạt treo cờ rủ, ngừng tất cả hoạt động vui chơi, giải trí.

Dọc hai bên đường dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia, đông đảo đồng bào, chiến sĩ đã có mặt. Nhiều người đến từ rất sớm, nâng niu trước ngực di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thành kính bái vọng về trung tâm nhà tang lễ, nơi quàn linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Họ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi: Cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong, cán bộ nghỉ hưu, trí thức, đoàn viên, thanh niên, những người con quê hương Thanh Hóa đang học tập, công tác, sinh sống ở Thủ đô Hà Nội. Ai cũng muốn đến đây để bày tỏ niềm tiếc thương đối với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một trong những nhà cách mạng nổi bật trong cuộc trường chinh đầy gian khổ mà hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.

 Dù trời đổ mưa, ngay từ sáng sớm đã có nhiều người đến dự Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: QĐND

Dù trời đổ mưa, ngay từ sáng sớm đã có nhiều người đến dự Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: QĐND

Trong số những người đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có Thượng tá Cao Văn Đạt, 87 tuổi, trú tại thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh (Ứng Hòa, Hà Nội), 55 năm tuổi Đảng, thương binh hạng 3/4, bị nhiễm chất độc hóa học, người cán bộ cấp dưới, từng vào sinh ra tử với đồng chí Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) Lê Khả Phiêu trong trận đánh bảo vệ TP Huế tháng 1-1968. Cả đêm qua ông trằn trọc không ngủ, chỉ mong trời sáng để đi viếng người anh thân thiết, người chỉ huy tài năng, quyết đoán năm nào. “Anh ấy sống nghĩa tình lắm. Dù ở cương vị nào cũng không bao giờ quên đồng đội. Lúc nào anh ấy cũng đau đáu phải làm sao giúp đỡ được hết anh em CCB hoàn cảnh khó khăn, nhất là số mất hết giấy tờ, chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Tôi được như bây giờ cũng là nhờ anh Phiêu trực tiếp giúp đỡ đấy!”. Nói đến đây, giọng người CCB nghẹn lại, đưa vạt áo lên lau nước mắt.

Trước khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu từng là một người lính, trưởng thành từ quá trình chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trên khắp các chiến trường, ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam và ở chiến trường Campuchia đầy gian khổ, ác liệt. Sau đó được Đảng, Nhà nước, quân đội giao đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), nên trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn đầy ắp tình cảm với người đồng chí, đồng đội, với người lãnh đạo, chỉ huy tài đức vẹn toàn, sáng suốt, giản dị, chân thành và sâu sát. Xúc động nhớ lại lần cùng Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên vào thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Khoa A11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới đây, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, TCCT, kể lại: “Hôm ấy anh Phiêu đã rất yếu, chỉ có thể nhìn và nắm tay chúng tôi. Nhưng biết tin anh ra đi, mọi người vẫn không tránh khỏi đau buồn, hẫng hụt”.

Từng trực tiếp làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ khi còn ở chiến trường Trị Thiên, trong lòng Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu còn in đậm dấu ấn và những bài học quý báu mà đồng chí Lê Khả Phiêu truyền dạy cách đây hơn nửa thế kỷ trước. Sau này, khi ông là Cục trưởng Cục Chính sách, Thượng tướng Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm TCCT, nhưng ông thấy đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn giữ nguyên tác phong giản dị, chân thành và đức độ, đặc biệt là sự sâu sát trong chỉ đạo giải quyết chế độ, chính sách cho đồng đội, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Trong ngày Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cụ Nguyễn Quang Lân, 90 tuổi, người bạn “nối khố” của nguyên Tổng Bí thư, ở làng Thạch Khê Thượng, xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa) thức dậy từ tinh mơ. Ngậm ngùi, hẫng hụt, cụ Lân chậm rãi kể: "Trước kia, khi còn khỏe mạnh, mỗi năm ông Phiêu về thăm quê từ 3 đến 4 bận. Nguyên là lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng ông rất gần gũi, chân tình với bà con hàng xóm, khiến ai cũng quý mến, kính trọng. Hôm biết tin ông mất, nhân dân trong xã ai cũng đau đớn, bàng hoàng. Không ai bảo ai, mọi người đều gác lại công việc thường nhật, đến thăm lại căn nhà nhỏ, nơi sinh thời và lớn lên của ông, thắp nén hương trầm, vĩnh biệt người con ưu tú của quê hương”.

Trong Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có một chiến sĩ trẻ, lặng lẽ nhìn dòng người vào viếng nhà lãnh đạo đáng kính. Đó là Binh nhất Lục Đình Thắng, chiến sĩ Đội Danh dự Hải quân, Đoàn Danh dự, Đoàn Nghi lễ Quân đội (Bộ Tổng Tham mưu), quê ở thôn Đá Dựng, xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa). “Ngày còn đi học, chúng tôi đã biết rõ về bác Lê Khả Phiêu, một trong những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa. Thật vinh dự cho tôi được đứng tiêu binh bên linh cữu bác. Đây sẽ là kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời quân ngũ của tôi”, Binh nhất Lục Đình Thắng xúc động cho biết.

Càng về trưa, dòng người đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu càng đông. Tất cả đều chung tâm trạng, tình cảm quý trọng, tiếc thương nhà lãnh đạo hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng; sống liêm khiết, thanh bạch; một tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng học tập, noi theo. Những người có mặt tại đây ai cũng muốn gửi đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng muôn vàn niềm thương nhớ...

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/muon-van-niem-thuong-nho-631650