Muốn vào thủ đô phải nộp phí?
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo HĐND TP việc thực hiện nghị quyết về đề án 'Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030', trong đó có nội dung thu phí phương tiện vào nội đô. Việc thu phí này liệu có hạn chế được ùn tắc giao thông, có trái luật đã ban hành?
Cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn thiện
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Về pháp lý, hiện tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí không có tên khoản “phí phương tiện cơ giới vào nội đô”. Do vậy nếu UBND TP. Hà Nội thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô thì cần phải sửa luật phí và lệ phí bổ sung khoản phí này vào danh mục phí, lệ phí của Luật phí và lệ phí. Thẩm quyền bổ sung danh mục phí, lệ phí là của Quốc hội. Như vậy, cơ sở pháp lý của việc thu phí vào nội đô phải được Quốc hội thông qua.
Về thực tế, mục tiêu của thu phí vào nội đô nhằm giảm ùn, tắc giao thông và hướng người dân sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng nhu cầu đi lại của người dân là một nhu cầu thường xuyên, dù có ùn tắc thì người dân vẫn phải di chuyển, đi lại làm việc, học tập.
Nếu phương tiện giao thông công cộng của chúng ta đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách thì tôi tin người dân sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Nhưng thực tế các phương tiện công cộng của chúng ta còn ít, chưa thuận tiện, phương tiện công cộng an toàn, vận chuyển được nhiều hành khách cùng một lúc như đường sắt nội đô vẫn chưa hoàn thành nên việc người dân vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại là một thực tế khách quan.
Tôi cho rằng TP Hà Nội cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn thiện, kết nối thuận lợi và phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân lúc đó mới thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô".
"Trái với Luật thủ đô, gây nên tình trạng phí chồng phí"
Đó là khẳng định của Luât sư Bùi Quang Thu, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Thu nhận định: "Việc Hà Nội chuẩn bị thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô từ đường vành đai ba theo quan điểm của tôi là không hợp lý và có dấu hiệu trái luật, không phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân. Bởi các lý do sau đây:
Việc thu phí đường bộ vào nội đô đối với ô tô phát sinh việc phí chồng phí, bởi các phương tiện cơ giới là ô tô đã phải nộp phí bảo trì đường bộ. Phí bảo trì đường bộ không quy định là loại trừ cơ sở hạ tầng đồng bộ của thủ đô Hà Nội.
Vấn đề thứ hai đối với Luật thủ đô cũng không đề ra quy chế là các phương tiện ra vào nội đô của Hà Nội phải mất phí.
Việc thu phí vào nội đô dự kiến sẽ thực hiện từ đường vành đai ba với lý do để giảm tải giao thông và Hà Nội sẽ không tắc đường là không khả thi. Bởi nếu như thu phí đường vành đai vào nội đô thì có phương tiện cơ giới khác sếp quay đầu đi vòng tránh đường vành đai ba, điều này phát sinh un tắc ở điểm giao thông khác. Cái chúng tôi cần bây giờ là phải quy hoạch giao thông đồng bộ.
Không phải là việc dựng trạm đầu này đầu này, thì đường nó sẽ không tắc đường nữa. Minh chứng ngay việc Xe buýt BRT hi vọng có tuyến đường riêng giao thông sẽ được thông thoáng, không tắc đường nhưng tuyến đường Lê Văn Lương hiện hữu xe buýt BRT Thương xuyên ùn ứ vào các giờ cao điểm.
Hiện nay không cần dựng trạm thu phí thì cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm giao thông qua camera và đã có hình thức xử phạt nguội phương tiện vi phạm này nghiêm khắc đúng quy định pháp luật. Do vậy chúng ta không nên lấy lý do xử lý xe vi phạm bằng hình thức phạt nguội để dựng trạm thu phí vào nội đô.
Hà Nội là trái tim của cả nước hãy để người dân của cả nước hân hoan về Hà Nội không có cảm giác bị chặn đường nộp phí; Từ Hà Nội đi các tỉnh xung quanh như Hải Dương Hải Phòng Quảng Ninh; Hay Bắc Giang Bắc Ninh lạng Sơn; Một tuyến đường Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai đều có nhiều trạm thu phí đường bộ.
Cửa ngõ của Hà Nội như Pháp Vân - Cầu Giẽ đã có trạm BOT Các phương tiện đi qua đây đều phải nộp tiền trừ xe đặc chủng của nhà nước; Đi thêm đoạn đường ngắn nữa để vào nội đô sẽ gây khó chịu và không hài lòng cho hàng triệu người dân về thăm thủ đô.
Việc dựng trạm thu phí ô tô vào nội đô cũng vô tình khiến cư dân Hà Nội không muốn sống ngoài vùng ven đô nữa. Điều này làm cho nội đô Hà Nội đã đồng lại tha càng thêm chật chội”.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản đề xuất UBND TP xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP để giảm kẹt xe.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/muon-vao-thu-do-phai-nop-phi-463371.html