Mường Bo nguyện một lòng theo Đảng
Mường Bo, giải nghĩa theo tiếng đồng bào địa phương là bản giữa núi có suối chảy qua. Trong những năm kháng chiến, giải phóng quê hương, khu vực Mường Bo được biết đến là cái nôi cách mạng của huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Bước vào thời kỳ hòa bình và đổi mới, cán bộ, đảng viên cùng Nhân dân các dân tộc trong xã tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, tích cực lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, người dân Mường Bo vẫn một lòng tin theo Đảng, theo Bác Hồ.
Quá khứ hào hùng
Sau khi thực dân Pháp chiếm được Lào Cai, chúng mượn đường Gia Phú - Mường Bo để đánh chiếm khu hạ huyện và tấn công lên các vùng khác. Toán quân của địch từ Cam Đường tiến qua Mường Bo, quân, dân các dân tộc nơi đây đã mưu trí đánh giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, ở Lào Cai, phong trào cách mạng bùng nổ mạnh mẽ. Hòa trong khí thế ấy, người dân Mường Bo đã cùng bộ đội anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương. Ngày 8/11/1946, Ủy ban Cách mạng huyện Sa Pa chính thức được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần yêu nước của Nhân dân các dân tộc Sa Pa được nâng lên, nhiều người đã nuôi giấu, che chở cán bộ, bộ đội, tích cực tham gia phong trào “tiêu thổ kháng chiến”, trong đó, Mường Bo trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng của địa phương. Chính tại thôn Mường Bo, chàng thanh niên Lù Đức Quang, dân tộc Tày được kết nạp Đảng và là 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng ở Sa Pa năm 1949, kịp thời lãnh đạo Nhân dân kháng chiến. Lịch sử cũng ghi nhận, sau khi thực dân Pháp chiếm được Mường Bo, chúng ra sức đàn áp và sát hại ông Tẩn Quầy Phẩu và Chảo Chòi Xinh - 2 cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta.
Ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai được giải phóng, địch bỏ chạy vào Sa Pa để tới Bình Lư, Phong Thổ. Đến Sa Pa gặp Trung đoàn 148 chặn đánh trên đường Sa Pa - Lào Cai, chúng phải mở đường máu chạy vào Sa Pa. Nhờ nắm chắc tình hình và có thông báo của tỉnh, từ khu Mường Bo, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến huyện cùng với Đội Du kích Mường Bo đã tiến lên thị trấn Sa Pa, phối hợp cùng các đơn vị chủ lực đánh chiếm các khu căn cứ của Pháp, giải phóng hoàn toàn quê hương lần thứ 2, ngày 3/11/1950.
Hòa bình lập lại, xã Mường Bo chia tách thành 5 xã gồm Thanh Phú, Nậm Sài, Nậm Cang, Bản Hồ, Suối Thầu. Để tưởng nhớ công lao của 2 ông Tẩn Quầy Phẩu (tức Tẩn Quầy Phú) và Chảo Chòi Xinh (tức Chảo Chòi Thanh) trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, người dân đã đề nghị lấy tên của 2 ông ghép thành tên xã Thanh Phú.
Ngày mới ở Mường Bo
Cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã, 2 xã Thanh Phú, Suối Thầu được sáp nhập với tên gọi Mường Bo. Lần nữa, danh xưng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng lại được xướng lên như dấu gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mường Bo đang bước vào ngày mới với những hứa hẹn về cuộc đổi thay toàn diện. Hiện xã Mường Bo có 9 thôn, 867 hộ với hơn 4.380 nhân khẩu; 4 dân tộc cùng sinh sống, gồm đồng bào Mông (6,11%), (Dao 64%), Tày (30%), Kinh (2%).
Những năm qua, phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, người dân trong xã đã tích cực lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả; trong phát triển dịch vụ là mở homestay và thương mại. Tiêu biểu như gia đình bà Vũ Thị Ly, dân tộc Mông ở thôn Mường Bo 2 với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp kinh doanh dịch vụ giải khát. Từ năm 2017, bà Ly mạnh dạn thuê lại 2.200 m2 đất lúa của một hộ trong thôn để trồng hơn 1.000 cây cam, ổi, bưởi, mận, hồng và quýt. Năm 2019, hơn 200 gốc ổi đã cho thu hoạch được khoảng 1 tấn quả, mang về hơn 20 triệu đồng. Năm nay, 550 gốc cam, bưởi và quýt cũng bắt đầu cho thu hoạch.
Thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình kinh tế của gia đình bà Ly, một số hộ trong thôn cũng bắt tay vào trồng cây ăn quả và cùng nhau thành lập Hợp tác xã Mường Bo Xanh. Hợp tác xã có 7 hộ thành viên do con gái bà Ly làm giám đốc, còn bà Ly đảm nhận việc hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các hộ thành viên. Hợp tác xã có 1 hộ kinh doanh homestay, còn lại chủ yếu trồng cây ăn quả. Mới đây, bà Ly trồng thử nghiệm cây sả với dự định sẽ mở rộng thành vùng nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu. Bà Ly bảo: Người dân Mường Bo tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, chúng tôi luôn tích cực lao động, sản xuất, làm giàu trên chính miền đất này!
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã Mường Bo tập trung mạnh vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mục tiêu cao nhất là phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới toàn diện. Ông Hoàng Văn Phang, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã đã xác định hướng đi cụ thể cho từng thôn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, đối với diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước sẽ chuyển sang trồng cây ăn quả có múi và các loại rau, màu khác; những diện tích trồng lúa bị trũng chuyển sang đào ao nuôi thủy sản; những thôn vùng cao, khí hậu khắc nghiệt chủ yếu trồng cây dược liệu dưới tán rừng; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả quy mô trang trại gắn với du lịch làng bản và phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, lợn sinh sản, gia cầm… Trước mắt trong năm 2020, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt 9 tiêu chí còn lại để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đảng bộ xã Mường Bo hiện có 322 đảng viên với 15 chi bộ trực thuộc, trong đó có 14 chi bộ có chi ủy. Đảng bộ xã đặt ra mục tiêu hằng năm kết nạp 15 đảng viên, ít nhất 80% chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Sau nhiều năm, địa danh lịch sử, quê hương cách mạng Mường Bo lại được nhắc tới với sự kỳ vọng sẽ tạo ra những bứt phá mạnh mẽ, đổi thay toàn diện cùng sự phát triển chung của thị xã Sa Pa. Mường Bo hôm nay không chỉ là phép cộng đơn thuần về địa dư mà còn tạo thế và lực mới, tư duy mới để vùng quê cách mạng bước vào thời kỳ tươi sáng dậy tương lai.