Mường É tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, người dân xã Mường É (Thuận Châu) đã lựa chọn đưa các loại cây như: chè, cà phê, chanh leo, mắc ca, sa nhân... trồng thay thế các loại cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế.

Người dân xã Mường É phát triển trồng chè.

Người dân xã Mường É phát triển trồng chè.

Trở lại Mường É vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi bất ngờ trước sự đổi thay của mảnh đất này, những nương ngô, sắn trơ trọi sau khi thu hoạch trước đây đã không còn nữa, mà thay vào đó là những nương chè, đồi cây ăn quả xanh mướt đầy sức sống. Tìm hiểu được biết, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào thay thế các loại cây lương thực kém hiệu quả. Nhất là cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, tiên phong đi trước, làm trước, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp mới để nhân dân học và làm theo. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ hướng dẫn bà con đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có gần 300 ha chè (trong đó có hơn 200 ha chè đã cho thu hoạch, sản lượng từ đầu năm đến nay đạt trên 1.600 tấn); 103 ha cà phê, 62 ha chanh leo, 48 ha cây mắc ca...

Cùng cán bộ xã đi thăm một số mô hình làm kinh tế trong xã. Đến bản Cả Vai, là bản có diện tích chè nhiều nhất xã, với hơn 42 ha. Dọc hai bên đường trước đây là những nương ngô, nương sắn, nay đã được phủ lên màu xanh của cây chè. Ông Lò Văn Dủng, một trong những hộ tiên phong trong việc trồng chè tại bản, cho biết: Nhà tôi bắt đầu trồng chè từ năm 2011, cây giống và phân bón được Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, sản phẩm chè của gia đình được Công ty TNHH nông sản Thân Nga (xã Phổng Lái) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm gia đình tôi thu được trên 20 tấn chè, với giá bán ổn định 7.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 120 triệu. Tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè thêm trên 5.000 m² nữa.

Còn tại bản Kiểng, người dân đang tập trung trồng chanh leo. Thăm mô hình chanh leo của ông Quàng Văn Che thật ấn tượng, ông Che phấn khởi: Năm 2017, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 3 ha ngô, sắn sang trồng cây chanh leo, sau 5 tháng bắt đầu cho thu hoạch, ngay vụ đầu tiên đã đủ chi phí làm giàn, mua cây giống, phân bón, thuê nhân công. Năm 2018, gia đình thu được hơn 50 tấn quả chanh leo, thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Năm ngoái, chanh leo không được giá nhưng vẫn cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Trao đổi với ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã, được biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền vận động đến người dân mở rộng diện tích cây trồng, để nâng cao năng suất, chất lượng sản lượng sản phẩm, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, phòng trừ sâu bệnh; khuyến khích các hộ dân sản xuất sản phẩm nông sản sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra ổn định, xã đã liên hệ với các công ty TNHH trà Thu Đan, Công ty TNHH nông sản Thân Nga, HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Bình Thuận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đồng thời, vận động thành lập HTX để được hưởng các chính sách ưu đãi, cũng như thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm theo hướng bền vững.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở Mường É. Đời sống của bà con đã và đang được cải thiện, trình độ canh tác của người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-e-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-35284