Mường Giôn giữ màu xanh cho những cánh rừng

Quyết tâm giữ màu xanh cho những cánh rừng, nhiều năm trở lại đây, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rãy. Nhiều khu vực rừng được trồng mới, tái sinh đã làm hạn chế xói mòn, sạt lở đất; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 43%.

Nhân dân bản Cút, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) chăm sóc rừng.

Nhân dân bản Cút, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) chăm sóc rừng.

Hiện nay, Mường Giôn có gần 9.000 ha đất có rừng, trong đó, hơn 2.980 ha rừng phòng hộ, trên 5.380 ha rừng sản xuất, 570 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của xã đã phối hợp cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng tới người dân. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm mùa khô hanh, 18 tổ bảo vệ rừng và PCCCR ở các bản thường xuyên kiểm tra khu vực dễ xảy ra cháy rừng; hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, lực lượng và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ đó, ý thức người dân ngày càng được nâng lên, nhiều năm liền trên địa bàn không có tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng xảy ra.

Nổi bật, là việc thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc, từ năm 2017 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển 400 ha đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả hàng năm sang trồng rừng. Đến nay, trên 200 ha đã đưa vào nghiệm thu và được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chủ yếu tập trung ở các bản: Cút, Bo Xanh, Phiêng Mựt... Bây giờ trở về các bản ở xã Mường Giôn không còn tình trạng đất trống, đồi trọc, nhất là từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con đã tích cực đăng ký tham gia trồng rừng. Tại bản Cút như đã thành thông lệ 2 lần/tuần, 15 thành viên của tổ bảo vệ PCCCR bản lại đi kiểm tra rừng do bản quản lý. Nhận thức lợi ích của việc trồng rừng, năm 2017, bản Cút đã vận động hộ dân chuyển đổi gần 218 ha đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả hàng năm sang trồng rừng, nâng diện tích rừng do bản quản lý lên hơn 600ha, trong đó, 138 ha đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng, với số tiền hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, bản sẽ trích 40% số tiền để mua dụng cụ cho tổ bảo vệ và đầu tư hệ thống các biển cảnh báo tại các khu vực có rừng, tu sửa công trình công cộng của bản, còn lại sẽ chia cho các hộ tham gia bảo vệ rừng. Chính điều này, giúp bà con có động lực gắn bó với rừng.

Còn tại bản Khóp, nếu như 10 năm trước đây, tình trạng phá rừng làm nương rẫy hay chặt cây lấy củi về làm chất đốt diễn ra thường xuyên. Khắc phục tình trạng trên, bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân trong việc trồng, bảo vệ rừng; tập trung quản lý, bảo vệ hơn 600 ha rừng, trong đó, hơn 154 ha đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng; đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước của bản. Theo đó, người dân không được chặt, phá rừng; không được cho trâu bò vào phá rừng. Nếu hộ nào vi phạm quy ước thì sẽ không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; báo cáo lên cấp trên để xem xét, xử lý; đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiêu biểu trong bảo vệ rừng. Những yếu tố trên là lý do và động lực tạo chuyển biến rõ rệt để người dân thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ và phát triển trồng rừng.

Để giữ màu xanh của những cánh rừng, xã Mường Giôn tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; giao diện tích rừng cho hộ dân quản lý; giao chỉ tiêu và chỉ đạo các bản đưa nội dung vào khoanh nuôi, bảo vệ, phát dọn thực bì vào quy ước của bản, góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-gion-giu-mau-xanh-cho-nhung-canh-rung-34746