Xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa sát với thực tiễn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp ý kiến, xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sớm đưa vào triển khai, thi hành.

Sáng 1/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với với các địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT đã trình bày dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa

Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn (Bộ Xây dựng, Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ NN&PTNT) và 63 tỉnh, thành phố. Đây được đánh giá là nội dung mới, cần thiết do thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện tích tụ đất đai, tập trung sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa gồm 4 chương, 18 điều với các nội dung chính: những quy định chung; quản lý, sử dụng đất trồng lúa; quy định về chính sách hỗ trợ, bảo vệ đất trồng lúa; điều khoản thi hành.

 Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Nghị định quy định các vấn đề quan trọng về đất trồng lúa như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; điều kiện xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp; quy định về nộp tiền để nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ địa phương sản xuất lúa…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với các nội dung liên quan đến dự thảo nghị định: tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục thẩm định công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa; xử lý chuyển tiếp những công trình đang hiện hữu...

Nhiều đại biểu cũng đề xuất cần có mức hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa; tiêu chí về công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa; xây dựng điều kiện cụ thể hơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp...

Bộ NN&PTNT cũng đã thuyết minh, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề trong dự thảo nghị định và các vấn đề thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định đây là lần đầu tiên, các chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa được đưa vào luật. Đây cũng là nghị định khó nhưng đang được người dân và doanh nghiệp chờ đợi, vì vậy, phải quyết tâm thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu trong dự thảo, phạm vi điều chỉnh của nghị định phải sát, đúng với văn bản Luật và các quy định liên quan; nên làm rõ các tiêu chí, có chính sách bảo hộ cho nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu...

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần có khung chính sách cụ thể hỗ trợ đối với đất trồng lúa; giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chí để phân loại cụ thể quy mô, phạm vi, diện tích các khu vực, vùng đất trồng lúa phù hợp với điều kiện đặc thù của từng nơi để thực hiện áp dụng các chính sách phù hợp, trong đó, phải đặc biệt lưu ý xác định rõ những vùng đất lúa bảo vệ tuyệt đối.

Ban soạn thảo nghị định tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, bảo đảm xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa dễ hiểu, rõ ràng phù hợp với thực tiễn sản xuất để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sớm đưa vào triển khai, thi hành để thực sự tạo ra chính sách mới, tạo đột phá cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-ve-dat-trong-lua-sat-voi-thuc-tien-post269342.html