Mường Khương: Nhiều giải pháp giảm nghèo cho người dân

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh với quy mô hàng hóa, dẫn dắt nông dân thích ứng với nền kinh tế thị trường… là cách làm hay của huyện Mường Khương để giải 'bài toán' giảm nghèo cho người dân.

Đường giao thông nông thôn xã Bản Xen.

Đường giao thông nông thôn xã Bản Xen.

Tỷ lệ hộ nghèo trên 60% (năm 2015) giảm còn 26% (hiện nay), thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 28,7 triệu đồng, gấp đôi so với năm 2015, là những con số ấn tượng trong công tác giảm nghèo của xã Nậm Chảy. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực vận động người dân tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, như chuối, quýt, cam... nên xã Nậm Chảy đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa với hơn 350 ha chuối, 53,6 ha quýt, hơn 10 ha cam, 22 ha thảo quả, 350 ha sa nhân. Một số giống cây được đưa vào trồng như ba kích tím, cây bơ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn đen bản địa, đầu tư chuồng trại, duy trì diện tích trồng ngô, rau xanh hợp lý làm thức ăn cho gia súc. Hiện tổng đàn lợn đen của xã đạt hơn 1.500 con, nhiều hộ có nguồn thu ổn định từ chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tẩn Khái Phủ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết: Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, xã chủ động liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn người dân lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, anh Chảo Cồ Quyền (thôn Sấn Pản) tâm sự: Trước đây, ngoài chăm sóc diện tích ngô vụ mùa, lúc nông nhàn, gia đình tôi đi làm thuê nhưng vẫn không đủ ăn. Năm 2014, gia đình tôi quyết định chuyển gần 2 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chuối, năm đầu tiên cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện diện tích chuối của gia đình đã mở rộng lên 5 ha, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Còn tại Thanh Bình, được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã hình thành vùng chuyên canh rõ nét và mang lại hiệu quả. Hiện xã có hơn 571 ha chè, 107 ha chuối, 20 ha quýt, 30 ha mía… Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2019 đạt 31,5 triệu đồng/người, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 65,16% (năm 2015) xuống còn 9,7% (năm 2019).

Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Mường Khương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, vận động người dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong chăn nuôi và trồng trọt. Chú trọng kết hợp tiềm năng, thế mạnh của địa phương với nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, tìm hướng đi cho từng loại cây trồng, vật nuôi, đảm bảo sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Người dân xã Nậm Chảy chăm sóc cây ăn quả.

Người dân xã Nậm Chảy chăm sóc cây ăn quả.

Trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè cho nông dân (tại xã Thanh Bình và Cao Sơn); 21 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Trong năm 2020 sẽ có thêm 2 doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở sản xuất, tiêu thụ chè tại xã Lùng Vai và Tả Thàng; nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu (chủ yếu sản phẩm chuối, dứa, quýt) tại xã Bản Lầu… góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Những năm qua, huyện đã xây dựng thành công các vùng chuyên canh 3.171 ha chè, hơn 1.300 ha chuối, 653 ha quýt, 786 ha dứa…góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn 7,89%, vượt 43% kế hoạch. Hiện số hộ nghèo của huyện còn dưới 20% và chỉ còn 1 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% (xã Tả Thàng). Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 27,8 triệu đồng, tăng hơn 14 triệu đồng so với năm 2015.

Năm 2020, huyện Mường Khương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 6%/năm trở lên, riêng các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu giảm trên 9%. Trong đó, thực hiện rà roát, nắm rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ, đưa ra giải pháp cụ thể, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/muong-khuong-nhieu-giai-phap-giam-ngheo-cho-nguoi-dan-z36n20200718090903137.htm