Mường La chủ động phòng, chống lũ bão

Tiếp tục thực hiện phương châm '4 tại chỗ', mùa mưa lũ năm nay, huyện Mường La đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị, nhằm chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sau 1 ngày xảy ra mưa lũ (ngày 16/9), có mặt tại điểm cống bị lũ cuốn trôi (đoạn qua suối Nặm Păm) trên tuyến đường 109 xã Nặm Păm đi xã Ngọc Chiến, 2 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất để sớm thông đường. Anh Lò Văn Duy, công nhân Công ty TNHH một thành viên Sỹ Hà Tây Bắc (đơn vị tham gia thi công tuyến đường), chia sẻ: Do mưa lớn từ đêm ngày 15 đến ngày 16/9, đã làm 40 mét đường bị cuốn trôi, gây ách tắc giao thông. Ngay sau đó, Công ty đã điều 2 chiếc máy xúc trực tại đoạn đường bị trôi, đợi khi nước rút sẽ khẩn trương thông đường. Từ 10h30 phút ngày 16/9 nước bắt đầu rút, chúng tôi tiến hành san lấp đất, đá để thông đường. Chúng tôi đã làm việc liên tục đến 21h cùng ngày thì thông đường, dù còn khó khăn, nhưng người và các phương tiện giao thông đã có thể đi lại được.

Đơn vị thi công khắc phục hậu quả sau mưa lũ đoạn đường qua suối Nặm Păm, xã Nặm Păm.

Đơn vị thi công khắc phục hậu quả sau mưa lũ đoạn đường qua suối Nặm Păm, xã Nặm Păm.

Cũng nói về việc thông đoạn đường này, anh Thào A Măng, bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, bảo: Gia đình tôi có việc ở trung tâm huyện Mường La, ngày hôm qua từ bản đi đến đây phải quay về. Thật may mắn, hôm nay đã thông đường nên không bị lỡ việc nhà nữa.

Trong 8 tháng năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai, trên địa bàn huyện Mường La có 36 ngôi nhà ở của người dân bị hư hỏng, đổ sập; 33.200 ha cây ăn quả các loại bị ảnh hưởng, hơn 3.000 ha cây hoa màu bị cuốn trôi; 64.775 cây quế, tếch mới trồng bị chết; gần 300 con gia súc bị chết; 26 điểm giao thông sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 3.236 m³; 79m mương thủy lợi bị vùi lấp; 3 điểm trường bị ảnh hưởng... ước tổng thiệt hại gần 60 tỷ đồng. Riêng trận mưa lớn từ đêm ngày 15 đến ngày 16/9, trên địa bàn huyện có 7 nhà ở của người dân phải di dời khẩn cấp, có nguy cơ sập đổ, hoặc bị đất đá sạt vào nhà; 7 điểm giao thông bị hư hỏng; 2.000m mương thủy lợi bê tông bị đất đá vùi lấp; 1,3 ha nuôi cá bị cuốn trôi... ước thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Người dân xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, dọn đất đá trôi ra nền đường sau mưa lũ. Ảnh chụp ngày 16/9/2022.

Người dân xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, dọn đất đá trôi ra nền đường sau mưa lũ. Ảnh chụp ngày 16/9/2022.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cho biết: Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, kiểm tra thực tế và chỉ đạo địa phương khắc phục hậu quả, khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân, theo phương châm "4 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo việc thống kê những thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định đời sống. Hiện, chúng tôi đã đề nghị với các đơn vị thi công tuyến đường 109 đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là những đoạn xung yếu, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa.

Cầu tràn tại tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, thường xuyên bị ngập khi mưa lớn kéo dài.

Cầu tràn tại tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, thường xuyên bị ngập khi mưa lớn kéo dài.

Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn. Rà soát di chuyển các hộ dân ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao, nhất là nơi ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt trong mùa mưa lũ. Đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình đang thi công xây dựng, các dự án di chuyển dân vùng thiên tai an toàn trước mùa mưa lũ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, tuần tra, dự báo, cảnh báo các hồ, đập công trình thủy lợi, những tuyến đường xung yếu, hoạt động dân sinh kinh tế trong vùng nguy hiểm và nguy cơ thiệt hại do mưa lũ xảy ra lũ quét, sạt lở, úng ngập... Chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, vật liệu, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Ông Cà Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm, thông tin: Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã thường xuyên theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết trên hệ thống báo mưa tự động, cũng như dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc... Nếu trong khu vực dự báo có mưa lớn sẽ chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người.

Đơn vị thi công khắc phục hậu quả sau mưa lũ đoạn đường qua suối Nặm Păm, xã Nặm Păm.

Đơn vị thi công khắc phục hậu quả sau mưa lũ đoạn đường qua suối Nặm Păm, xã Nặm Păm.

Phòng là chính, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân... Việc làm này đã và đang được cả hệ thống chính trị huyện Mường La vào cuộc, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.

Hồng Luận - Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-chu-dong-phong-chong-lu-bao-53371