Mường La những dự định tốt lành

Đón Xuân mới Nhâm Dần, hành trình thoát huyện nghèo của Mường La ghi thêm dấu ấn: Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn mới còn 21,8%; thêm 228 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được đón xuân mới trong những ngôi nhà khang trang; kết cấu hạ tầng ở các xã, bản đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng... Đó là những con số biết nói, là động lực phấn đấu để Mường La thoát nghèo theo Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Những ngày giáp Tết, chúng tôi về Mường La - vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Đến đâu cũng cảm nhận không khí chuẩn bị đón xuân mới thật rộn ràng. Lên vùng cao Ngọc Chiến, đi trên tuyến đường bê tông được mở rộng tại bản Phày, chúng tôi nhớ lại, cách đây mấy tháng, hình ảnh bà con tự phá dỡ hàng rào của gia đình để mở rộng tuyến đường. Lời tâm sự của bà Lò Thị Tối- một người dân trong bản, khiến tôi nhớ mãi: “Bản muốn lấy chỗ nào cũng cho thôi, đường bản đẹp thì nhà tôi cũng đẹp mà”.

Nói về việc phát triển kinh tế của xã, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng ủy xã đã chỉ đạo nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Hiện xã có 2.657 ha cây ăn quả trên đất dốc, sản lượng đạt 8.500 tấn quả các loại, trị giá hàng tỷ đồng/năm; tổng đàn vật nuôi hơn 63.000 con. Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Là xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng nguồn lực tại địa phương... Trong năm 2021, Ngọc Chiến tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng 10 công trình “0 đồng” (các công trình thuộc chủ trương của Đảng ủy xã) phục vụ đời sống và phát triển du lịch của nhân dân, trị giá thực hiện các công trình trên 10 tỷ đồng, do nhân dân các bản, các tổ chức đoàn thể trong xã tự nguyện đóng góp.

Về xã Mường Trai - xã di vén lòng thủy điện Sơn La, chúng tôi được nghe, được chứng kiến những cách làm, những bứt phá vươn lên thoát nghèo của người dân. Tại bản Hua Nà, anh Cà Văn Chia, Bí thư Chi bộ bản, khoe: Ngoài phát triển nuôi 54 lồng cá trên lòng hồ, trong bản có 1 hộ dân xây dựng mô hình nhà nổi đón khách du lịch; một số hộ dân đầu tư hai chiếc thuyền du lịch, chở từ 12 đến 60 người và cải tiến các thuyền có sẵn để phục vụ các đoàn từ 6 đến 30 du khách tham quan, trải nghiệm lòng hồ... Chúng tôi đang rất nỗ lực để ai cũng có cuộc sống tốt hơn.

Người dân xã Chiềng Công (Mường La) chăm sóc vườn sơn tra.

Người dân xã Chiềng Công (Mường La) chăm sóc vườn sơn tra.

Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng đến Chiềng Lao đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Không giấu niềm vui, ông Lò Văn Châu, Bí thư Chi bộ bản Huổi Quảng khoe: Bà con trong bản đã chuyển đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng 4 ha cây xoài, nhãn ghép và 6 ha chuối tây. Đồng thời, đầu tư chăn nuôi trên 300 con gia súc; trung bình mỗi hộ có 50 con gia cầm... Phong trào xóa đói, giảm nghèo đang lan rộng trong toàn bản.

Từ câu chuyện của người dân, chúng tôi thêm hiểu, trong hành trình thoát nghèo của huyện, điều quan trọng là đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Điều đó được thể hiện ở Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 19/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt là Đề án giảm nghèo bền vững huyện Mường La giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện 4% trở lên/năm; cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Chia sẻ về những nhiệm vụ trong hành trình thoát nghèo của huyện, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trên cơ sở điều kiện thực tế, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp. Trong đó, vùng trung tâm cụm xã và thị trấn Ít Ong phát triển thương mại dịch vụ, duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Các xã dọc sông Đà và vùng phụ cận trồng cây lương thực với các loại giống mới, cây ăn quả có giá trị để làm hàng hóa, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Các xã vùng cao duy trì chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa; trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Cùng vào cuộc, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Hỗ trợ 300 triệu đồng cho 7 hộ gia đình làm lò sấy hơi nhiệt, container lạnh để bảo quản và sấy nhãn, các sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ trên 590.000 giống cây: Xoài Đài Loan, xoài GL4, mận tam hoa, giống dứa Queen... cho nông dân các xã: Tạ Bú, Mường Chùm, Nặm Giôn, thị trấn Ít Ong, Nặm Păm...

Đổi mới tư duy sản xuất của người dân, Mường La hiện có trên 5.800 ha cây ăn quả các loại; 8 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 1 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, với trên 200 ha được cấp mã số vùng trồng; hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (2 chuỗi cây sơn tra; 2 chuỗi cây mận; 3 chuỗi cây xoài). Sản phẩm nông sản đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và nước ngoài. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Mường La đã xuất khẩu trên 1.300 tấn xoài; hơn 5.300 tấn chuối; tiêu thụ trên 16.000 tấn nhãn, xoài, chuối, sơn tra tại siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh trong nước.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhân dân các xã trong huyện đã phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bước đầu đã hình thành việc chăn nuôi tập trung, trang trại; nâng cao chất lượng và tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm, hướng tới mỗi bản có 1 điểm chăn nuôi tập trung. Khai thác lợi thế về diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân các xã vùng lòng hồ phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn huyện có trên 600.000 con gia súc, gia cầm các loại; hơn 970 lồng cá, sản lượng đạt hơn 300 tấn cá/năm.

Cảm xúc thật tuyệt vời khi được trải nghiệm lòng hồ thủy điện Sơn La trên du thuyền từ bến Mường Trai, hai bên bờ là những bản tái định cư trù phú; những dãy núi cao sừng sững nghiêng bóng mặt hồ mênh mông sóng nước... Anh Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường La, cho hay: Các xã Ngọc Chiến, Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao, thị trấn Ít Ong... có tiềm năng du lịch, đang được huyện định hướng phát triển một cách bài bản. Huyện đã phê duyệt 4 dự án du lịch tại xã Ngọc Chiến: Trung tâm dịch vụ du lịch tại bản Lướt; khu thể thao phức hợp tại bản Đông Xuông; khu du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe tại bản Lướt và Trung tâm du lịch sáng tạo tại bản Phày. Năm 2021, có 40.000 lượt khách đến huyện tham quan du lịch, doanh thu khoảng 12 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Mường La thăm mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại xã Mường Chùm.

Lãnh đạo huyện Mường La thăm mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại xã Mường Chùm.

Cũng trong năm 2021, huyện đã tổ chức bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình: Đường giao thông; nhà văn hóa; nước sinh hoạt và công trình thủy lợi cho các xã, bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng, cùng với sự góp công, hiến đất của nhân dân, xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa bản..., tạo nên diện mạo mới cho các bản khó khăn của huyện.

Chia tay Mường La trong rộn ràng lời bài hát “Xuân về Mường La” của tác giả Mùi Hái: “Về Mường La, ai có về Mường La/Con sông sâu, con sông Đà huyền thoại/Đây phố núi, bao nhà máy mọc lên nhấp nhô lưng đồi/...Mường La quê hương Anh hùng/Mùa xuân, mùa xuân đã về...”

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-nhung-du-dinh-tot-lanh-47561