Mường La sản xuất nông nghiệp xanh

Với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Mường La chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, nông nghiệp xanh, tạo bước chuyển biến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm táo đại của HTX Đoàn Kết, tiểu khu II, xã Mường Bú, huyện Mường La.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm táo đại của HTX Đoàn Kết, tiểu khu II, xã Mường Bú, huyện Mường La.

Từ năm 2021 đến nay, huyện hỗ trợ giống cây trồng chất lượng cao như xoài Đài Loan GL4, mận tam hoa, mít ruột đỏ, dứa Queen, bưởi, cây lê cho hơn 1.000 hộ dân, tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 460 triệu đồng thực hiện mô hình cải tạo vườn táo địa phương bằng giống táo đại ở xã Mường Bú; hỗ trợ 109 hộ tham gia mô hình sản xuất lúa nếp tan hữu cơ xã Ngọc Chiến, quy mô 24 ha lúa; cải tạo, chăm sóc cây xoài theo hướng hữu cơ tại xã Tạ Bú, Chiềng Hoa... Đồng thời, hỗ trợ kho lạnh, nhà sấy cho 7 hộ sản xuất; xây dựng 7 chuỗi cung ứng nông lâm an toàn; làm logo, in tem nhãn, bao bì sản phẩm... với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, Mường Bú, cho biết: Được huyện hỗ trợ cải tạo vườn táo, áp dụng sản xuất nông nghiệp xanh, đến nay, HTX có 50 ha táo được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất táo đạt 15 tấn quả/ha, giá bán dao động từ 15.000 đến 50.000 đồng/kg. Với chất lượng vượt trội, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 1 tấn táo cho các chuỗi siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh.

Sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền là nỗ lực của người dân, Mường La duy trì 11.246 ha cây lương thực có hạt; 779 ha rau; 143,5 ha rau nguyên liệu chế biến cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; gần 7.150 ha cây ăn quả các loại, sản lượng quả tươi trên 33.000 tấn/năm. 961 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ; 25 mã số vùng trồng xoài, nhãn, chuối xuất khẩu, với 633 ha; xây dựng 14 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên...

Ngoài ra, huyện đã cung cấp 100 con lợn giống cho 20 hộ dân xã vùng cao Chiềng Ân, Chiềng Công; 4.000 vịt giống cổ xanh cho 20 hộ dân xã Nặm Păm, Mường Trai; hỗ trợ nuôi cá chép, lợn bản, gà đen cho các hộ dân bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến; 20 lồng cá HTX Thủy sản Ngọc Chiến, tổng kinh phí trên 600 triệu đồng... Đến nay, tổng đàn đại gia súc đạt trên 45.000 con, gia cầm trên 600.000 con. Tận dụng tiềm năng mặt nước lớn, với trên 200 ha mặt hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Nậm Chiến phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn huyện có 327 lồng nuôi cá tầm, 773 lồng nuôi các loại cá có giá trị kinh tế.

Nhân dân bản Chón, xã Tạ Bú, huyện Mường La thu hái táo đại.

Nhân dân bản Chón, xã Tạ Bú, huyện Mường La thu hái táo đại.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Sau 4 năm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/HU ngày 19/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp xanh. Đến nay, huyện Mường La đã hoàn thành và vượt 16/20 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đối với phát triển nâng cao diện tích cây trồng hàng năm, đạt 113,91% so với chỉ tiêu nghị quyết, trồng mới hơn 2.247 ha cây ăn quả, đạt 109,11% so với chỉ tiêu nghị quyết; sản lượng quả tươi 33.000 tấn quả các loại, đạt 164,18% chỉ tiêu nghị quyết...

Sản xuất nông nghiệp xanh đang mang lại hiệu quả tích cực, Mường La tiếp tục mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Nhất là, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp qua các chương trình hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/muong-la-san-xuat-nong-nghiep-xanh-Dl5DladHg.html