Mường Lang mở rộng diện tích cây lâm nghiệp
Từ thành công bước đầu trong trồng cây lâm nghiệp của các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc huyện Phù Yên, xã Mường Lang đã triển khai nhân diện mô hình trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn, nhờ đó, nhiều diện tích đất dốc, bạc màu của xã đã được thay thế bằng cây lâm nghiệp, mang theo nhiều kỳ vọng về nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định thay đổi cơ cấu cây trồng, trong đó phát triển cây lâm nghiệp trên diện tích đất bạc màu là khâu đột phá để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Xã đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới 40 ha cây lâm nghiệp các loại. Ông Trần Đại Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lang, cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo các bản rà soát toàn bộ diện tích đất có thể trồng được cây lâm nghiệp để có kế hoạch cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể rà soát các hội viên có nhu cầu trồng cây lâm nghiệp. Ngoài ra, xã đã triển khai hỗ trợ trên 2.000 cây giống, trị giá khoảng 60 triệu đồng cho 100 hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia trồng cây lâm nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho bà con 2 đợt/năm.
Mường Lang đang trồng các loại cây lâm nghiệp như mỡ, tếch, keo, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho người dân, bởi các loại cây lâm nghiệp cho lợi ích kép đó là cho thu nhập từ khai thác gỗ và chống xói mòn. So với các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp không kén đất trồng, không tốn nhiều công chăm sóc; nguồn đầu tư ban đầu không quá lớn, đối với các loại cây như mỡ hay tếch lai giá bình quân từ 3-4 nghìn đồng/cây giống, chi phí cây giống cho 1 ha khoảng 30 triệu đồng. Sau khoảng 5 năm được thu hoạch, cây mỡ và keo có giá khoảng 1-2 triệu đồng/m³; còn cây tếch có mức giá tùy theo số năm tuổi của cây, mức giá bình quân khoảng từ 6-8 triệu đồng/m³.
Việc trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất bạc màu là việc làm mới đối với người dân xã Mường Lang. Vì vậy, thời điểm năm 2020, khi bắt đầu triển khai, người dân chưa thực sự tin tưởng vào việc làm này, ai cũng lo rằng, nếu không trồng cây lương thực sẽ không bảo đảm cuộc sống thường ngày của gia đình. Trước thực tế trên, một số ĐVTN trong xã đã xung phong, vay vốn mua cây giống về trồng trên diện tích đất của gia đình.
Anh Đinh Văn Lâm, bản Tường Lang, người tiên phong trồng cây lâm nghiệp của xã, chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ cần tiên phong làm trước, khi có kết quả, sẽ thuyết phục được nhân dân thay đổi nhận thức, cách thức sản xuất. Năm 2020, sau khi nhận được 1.000 cây mỡ giống từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Huyện đoàn Phù Yên, tôi đã tự bỏ vốn mua thêm 1.000 cây mỡ giống để trồng trên diện tích 2 ha đất nương của gia đình. Sau hơn 2 năm, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi đang tính toán mở rộng trồng 2 ha xoan, tếch lai trên diện tích đất dốc trồng ngô và trồng xen các loại cây ngắn ngày trong thời gian chờ cây lâm nghiệp phát triển.
Kết quả bước đầu của gia đình anh Đinh Văn Lâm đã tạo sự lan tỏa đến nhân dân trong xã qua việc đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây mỡ. Anh Lò Văn Tuyền, bản Thượng Lang, chia sẻ: Khi thấy diện tích cây lâm nghiệp của anh Đinh Văn Lâm phát triển tốt, tôi đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống về trồng trên diện tích 1,5 ha nương trồng ngô của gia đình. Hơn 1 năm vừa qua, vườn cây phát triển tốt, hy vọng việc thay đổi cơ cấu cây trồng này sẽ giúp gia đình tôi có thu nhập cao hơn.
Sau hơn 2 năm, người dân xã Tường Lang đã trồng được 210 ha cây mỡ, tếch, keo và đang phát triển tốt, điều đó minh chứng về hiệu quả của chủ trương chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất đồi bạc màu của xã Mường Lang, với mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Hiện, xã Mường Lang đang tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp, nhằm đạt được 2 mục tiêu: Phủ xanh đất trống, đồi trọc và tạo sinh kế, giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.