Mường Lát sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Với kỳ vọng xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem như một luồng gió mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát khai thác tiềm năng, lợi thế, mở ra một bức tranh tươi sáng cho vùng đất xa xôi nhất tỉnh Thanh.

Trung tâm huyện Mường Lát ngày càng phát triển.

Trung tâm huyện Mường Lát ngày càng phát triển.

Phải làm gì để người dân thoát nghèo nhanh, bền vững? Làm gì để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy được tiềm năng thế mạnh? - Là câu hỏi đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở ở Mường Lát. Để không phụ sự kỳ vọng của tỉnh, ngay sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã chỉ đạo UBND huyện và các phòng, ban, đoàn thể nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của nghị quyết để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện nghị quyết sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Để người dân tiếp cận với cách sản xuất mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp triển khai xây dựng các mô hình đưa các loại cây, giống mới vào trồng. Được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lý đã tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân đưa cây sắn vào trồng trên địa bàn. Qua hai năm triển khai đến nay Mường Lý đã có trên 500ha trồng sắn, với sản lượng trung bình 1ha sắn thu hoạch khoảng 18 - 20 tấn, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.

Anh Thào A Pao, bản Xa Lung, xã Mường Lý cho biết, trước đây gia đình anh trồng cây xoan theo Dự án 147 nhưng không hiệu quả. Năm 2023, được chính quyền địa phương vận động trồng cây sắn, gia đình anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, qua hai năm triển khai trồng sắn trên đồi đất dốc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt. Đến mùa thu hoạch được công ty thu mua đầu ra ổn định nên gia đình anh yên tâm mở rộng diện tích để phát triển kinh tế. Sau hai năm trồng sắn, gia đình anh cũng tích góp được ít tiền, hiện đang có dự định sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Đồng chí Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11, UBND huyện đã phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh triển khai trồng sắn xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung. Để người dân nắm kỹ thuật trong chăm sóc, huyện đã cử cán bộ cùng với công ty xuống các địa phương để hướng dẫn quy trình trồng và thu hoạch, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (tại huyện Ngọc Lặc) bao tiêu sản phẩm đầu ra nên người dân rất yên tâm sản xuất. Qua hai năm triển khai, hiện diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện đạt hơn 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại toàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng.

Là địa phương có giống nếp Cay Nọi truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã Quang Chiểu đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển, xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. Qua hơn 3 năm hoạt động, HTX nông lâm Chung Thành đã trở thành cầu nối để sản phẩm gạo Cay Nọi phát triển. HTX đã liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu sản xuất gạo Cay Nọi theo chương trình VietGAP. Các hộ dân trồng nếp Cay Nọi được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm nên đời sống và thu nhập ổn định không phải lo tình trạng “được mùa mất giá”.

Theo báo cáo của Huyện ủy Mường Lát, sau hai năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 11 đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu, nổi bật là: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cam chịu đã bắt đầu có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Người dân đã chủ động hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo... Kinh tế của huyện có bước phát triển; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2024 ước đạt 3,24%; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 50 triệu đồng. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2024 ước đạt 2.845 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để Mường Lát có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn đó là: ngành nông nghiệp của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tự phát; diện tích đất nông nghiệp ít, chưa tích tụ, tập trung được đất đai để hình thành các vùng chuyên canh cây lương thực và cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao; công tác XDNTM gặp nhiều khó khăn,...

Đồng chí Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Để chuyển mình thoát nghèo trong tương lai, Mường Lát sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần nhận thức phải thông, tư tưởng phải vững, hành động phải quyết liệt, từ trong cán bộ, đảng viên mới xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đổi mới tư duy tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/muong-lat-sau-2-nam-thuc-hien-nghi-quyet-11-cua-ban-thuong-vu-tinh-uy-235889.htm