Mường Lèo nỗ lực phát triển kinh tế

Cách trung tâm huyện Sốp Cộp gần 60 km, tuyến đường nhựa về xã Mường Lèo ngoằn ngoèo, vắt ngang dãy núi Pù Sâng với dốc 5 tầng cao vời vợi. Vượt lên khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội để bớt đi đói nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Tuyến đường nội bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, được bê tông hóa.

Tuyến đường nội bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, được bê tông hóa.

Từ đỉnh Pù Sâng, xuôi về Mường Lèo, qua khu rừng già bản Mạt, dọc hai bên đường là những đồi thông mã vĩ uốn lượn theo các sườn đồi; phía xa là màu xanh của những vườn cây ăn quả, nương ngô, sắn đang thời kỳ phát triển. Chủ tịch UBND xã Lò Văn Chủ đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Chủ chia sẻ: Mường Lèo giáp ranh với xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và cụm bản Na Son, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào. Xã có 13 bản, 767 hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Mặc dù có trên 21.860 ha đất sản xuất, chiếm gần 58% diện tích đất tự nhiên, nhưng độ dốc lớn, canh tác lâu năm nhiều diện tích bạc màu, năng suất thấp. Mừng nhất là đường giao thông về xã thuận lợi, nhiều bản vùng cao ở Mường Lèo đã khác xưa nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Từ điều kiện thực tế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 47%, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện nghiên cứu, khảo nghiệm, khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng ở các bản vùng cao; trồng chanh leo, trồng cây cà phê, cây ăn quả ở một số bản vùng thấp. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đưa các giống cây trồng mới năng suất cao vào canh tác.

Hằng năm, nhân dân trong xã gieo trồng 13 ha ngô lai, 100 ha lúa ruộng, lúa nương, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 13.000 tấn/năm; chăn nuôi trên 8.400 con gia súc, hơn 20.500 con gia cầm. Ngoài ra, còn chăm sóc 181 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 487 tấn/năm. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình 135, 30a, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hơn 24 tỷ đồng, cho 534 lượt hộ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, Mường Lèo đã tập trung bảo vệ tốt 8.100 ha rừng phòng hộ và trồng trên 10.700 ha rừng sản xuất. Mỗi bản thành lập 1 tổ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ và tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sản xuất cây trồng trên nương đúng quy định. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng của xã gần 50%. Hằng năm, các chủ rừng được chi trả 2,5-3 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đã giúp các bản có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các mô hình kinh tế mới đang được triển khai hiệu quả. Trong đó, 4 hộ dân nuôi dúi ở bản Pá Khoang, Huổi Luông; 1 hộ nuôi hoẵng sinh sản ở bản Mạt; 4 hộ nuôi ngựa bạch ở bản Sam Quảng, Huổi Luông, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định.

Bản Sam Quảng, có 100% hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, Sam Quảng là một trong những bản khó khăn nhất xã, nhưng bây giờ đang có sự thay đổi. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Giàng A Dệnh, chia sẻ: Bà con trong bản đang chăm sóc 18 ha bưởi, cam, nhãn, xoài ghép; hơn 14 ha chanh leo; 60 ha cây lương thực có hạt, 10 ha sắn; 17 ha ao thả cá. Ngoài ra, bà con còn trồng hơn 40 ha rừng sản xuất bằng cây thông mã vĩ và bảo vệ trên 1.000 ha rừng tự nhiên. Kinh tế phát triển, bản có trên 35% số hộ khá, nhiều hộ có thu nhập từ 120-200 triệu đồng/năm, cả bản chỉ còn 14 hộ nghèo.

Gia đình anh Mùa A Tộng, là một trong những hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bản Pá Khoang. Hiện nay, gia đình trồng 4 ha sắn cao sản; nuôi hơn 40 con trâu, bò, ngựa sinh sản. Anh Tộng chia sẻ: Mỗi năm gia đình bán 8 -10 con trâu, bò, ngựa giống và bán thịt, thu hơn 200 triệu đồng. Thu nhập ổn định, gia đình có điều kiện đầu tư máy móc phục vụ sản xuất và mua sắm đồ dùng sinh hoạt.

Bên cạnh đó, nhiều công trình của xã cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Trong đó, 7 nhà văn hóa bản được sửa chữa, xây mới; trên 15 km đường liên bản được đổ bê tông; xây dựng công trình nước sinh hoạt cho bản Chăm Hỳ, Nậm Khún; đến nay, 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lèo tiếp tục lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, mỗi năm giảm từ 3% - 4% hộ nghèo trở lên, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/muong-leo-no-luc-phat-trien-kinh-te-Bkv7uNySR.html