Mường Nhé chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ

ĐBP - Là huyện vùng cao, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, địa hình chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, sông suối bị chia cắt nên khi bước vào mùa mưa, huyện Mường Nhé phải đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, giông lốc… Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện Mường Nhé chủ động xây dựng phương án, lực lượng, đảm bảo đầy đủ vật tư, máy móc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Người dân xã Mường Nhé khắc phục tạm thời đoạn kênh mương bị hư hỏng sau đợt mưa đầu mùa năm nay.

Những năm gần đây, vào mùa mưa lũ trên địa bàn huyện thường xảy ra tình trạng giông lốc, sạt lở đất tại những đoạn đường xung yếu, nhiều vùng bị chia cắt cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trận mưa lớn kéo dài, gây lũ ống, lũ quét làm sạt 2 công trình thủy lợi tại xã Mường Toong và Sín Thầu. Nhiều đoạn đường giao thông liên xã, liên bản bị sạt lở đất đá, đứt đường với khối lượng trên 40.000m3, ước thiệt hại 1,6 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay giông lốc, mưa đá làm hư hỏng 297 ngôi nhà (6 hộ bị thiệt hại từ 70% - 90%; 291 hộ bị thiệt hại từ 30% - 50%) với tổng mức thiệt hại 877 triệu đồng. Ngay sau khi các đợt mưa lũ xảy ra, huyện nhanh chóng khắc phục hậu quả; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại ổn định cuộc sống.

Do nhiều đồi núi, khe suối, kết cấu địa chất không vững chắc nên một số khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, như các xã: Mường Toong, Leng Su Sìn, Pá Mỳ... Nhiều tuyến đường thường xuyên bị sạt lở (quốc lộ 4H, tuyến đường Mường Toong - Huổi Lếch - Pá Mỳ, Nậm Khum - Nậm Sin…). Với phương châm “chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện chỉ đạo 11/11 xã xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đặc biệt, các xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng chống lũ; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các đồ dùng cần thiết để sử dụng trong những ngày xảy ra mưa lũ, sạt lở đất. Tổ chức nhiều đợt rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả; kiên quyết di dời những hộ dân ở những vùng ven sông, suối, khu vực đồi cao sườn dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Các tổ xung kích cấp xã, thôn, bản thường xuyên duy trì quân số, đảm bảo tham gia ứng trực theo quy định; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ) và “3 sẵn sàng” nhằm ứng phó khi bất ngờ xảy ra các tình huống. Đối với các tuyến đường huyện, xã đang trong giai đoạn thi công, giai đoạn bảo hành cần sử dụng vật tư, vật liệu, lực lượng và phương tiện của các doanh nghiệp đang thi công; giao các đơn vị chủ đầu tư kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các phương án chuẩn bị và bố trí thường trực 24/24 giờ đảm bảo giao thông trên các tuyến. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã xây dựng phương án, ngay sau thiên tai, tổ chức cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng; vận động nhân dân bị thiệt hại ít giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nhiều trước khi có sự trợ giúp từ trên, bảo đảm không để các gia đình bị đói, đứt bữa. Nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ cây, con giống; khắc phục những điểm tắc nghẽn giao thông; sửa chữa cơ sở hạ tầng…

Tại xã Chung Chải, 6 tháng đầu năm 2020, giông lốc, mưa đá làm thiệt hại 22 ngôi nhà cùng nhiều diện tích hoa màu ảnh hưởng rất lớn đời sống và sản xuất của nhân dân. Ông Lỳ Đồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão sắp tới, xã xây dựng phương án cụ thể về PCTT&TKCN; duy trì các lực lượng tình nguyện, xung kích trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN. Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; bố trí máy móc, phương tiện cứu hộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Phương Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/179615/muong-nhe-chu-dong-ung-pho-thien-tai-mua-lu