Mường Nhé đẩy mạnh thông tin cơ sở

ĐBP - Những năm qua, công tác thông tin cơ sở tại Mường Nhé đã phát huy được vai trò, chức năng là cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện.

Báo cáo viên, tuyên truyền viên huyện Mường Nhé tuyên truyền tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé.

Thực hiện công tác thông tin cơ sở, Huyện ủy Mường Nhé chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời định hướng những thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện quốc tế, trong nước, trong tỉnh liên quan đến người dân ở cơ sở. Trong đó, Huyện ủy Mường Nhé quan tâm xây dựng, chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhất là ở cơ sở nhằm đảm bảo thông tin tuyên truyền được chuyển tải kịp thời, đặc biệt là các thông tin có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng và trách nhiệm của người dân. Cụ thể như thông tin về những công trình, dự án, chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội... Đồng thời cũng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề đạt đến các cấp có thẩm quyền những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị.

Bà Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 233 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, trong đó 1 báo cáo viên cấp tỉnh, 27 báo cáo viên cấp huyện, 205 tuyên truyền viên cơ sở. Họ là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của huyện, bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã, trưởng các đoàn thể, trường học, người có uy tín. Đội ngũ này không ngừng được trẻ hóa, nhiệt tình trong công việc, đảm bảo về số lượng, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ...”.

Hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn Mường Nhé đã có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân ở cơ sở được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Thông qua hệ thống truyền thanh - truyền hình cơ sở; loa di động đến các khu dân cư; các tài liệu tuyên truyền do cơ quan chức năng cung cấp; thông tin trực tiếp qua báo cáo viên, tuyên truyền viên; bản tin công cộng và các hình thức hoạt động thông tin cơ sở khác (gồm bản tin điện tử và pano, áp phích); thông tin qua hội họp, sinh hoạt Nhân dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội. Ngoài ra, huyện chú trọng thực hiện thường xuyên chương trình truyền thông bằng tiếng dân tộc ở cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về tuyên truyền, thông tin đa phương tiện, cổng thông tin điện tử để thực hiện công tác thông tin cơ sở.

“Thông tin phổ biến về cơ sở là những thông tin đã được các ngành chức năng của huyện kiểm duyệt về nội dung, đảm bảo tính kịp thời, dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tùy theo tính quan trọng, cấp thiết của thông tin mà tần suất được thực hiện khác nhau. Đối với những tin tức hoạt động diễn ra trên địa bàn huyện, bên cạnh thông tin trên cổng thông tin điện tử của huyện, các cơ quan, đơn vị thì còn được phát lại trên hệ thống truyền thanh cơ sở; giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin hơn” - bà Pờ Diệu Ninh cho biết.

Hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn huyện luôn tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với phong tục, tập quán lành mạnh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đảm bảo tính thiết yếu, chính xác đến với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, triển khai thực hiện công tác thông tin cơ sở. Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết nói chung ở địa phương, đơn vị; một số tuyên truyền viên cơ sở còn hạn chế về kỹ năng tuyên truyền miệng nên chất lượng chưa cao; chưa có sự đổi mới về phương thức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; việc xây dựng chương trình hành động của một số cấp ủy cơ sở còn hình thức, sao chép nội dung của cấp trên, nên chưa sát với thực tiễn địa phương, đơn vị... Cùng với đó, hệ thống thiết chế thông tin cơ sở trên địa bàn huyện cơ bản phát huy được vai trò, chức năng quan trọng là cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp. Đến nay, ở cấp huyện, Mường Nhé có 1 Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện; 1 Trung tâm Hội nghị - Văn hóa. Ở cấp xã, 10/11 nhà văn hóa xã; có 46/115 bản, tổ dân cư có nhà văn hóa. Tuy nhiên, đa số các nhà văn hóa chưa được đầu tư, đảm bảo trang thiết bị hoạt động như: Thiết bị âm thanh, tivi... cũng phần nào ảnh hưởng tới chất lượng công tác thông tin cơ sở.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/202585/muong-nhe-day-manh-thong-tin-co-so