Mường Nhé khát vọng vươn lên (bài 2)

Bài 2: Từ nghị quyết đến hành độngĐBP - Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Nhé lần thứ V cũng như căn cứ Chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã nhanh chóng xây dựng các nghị quyết chuyên đề; đồng thời bắt tay ngay vào những công việc cụ thể với ý chí, quyết tâm cao nhất; từ đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 38,43% (giảm 20% so với năm 2020)...Bài 1: Xác định mục tiêu, 'nhập cuộc' sớm

Lãnh đạo huyện Mường Nhé báo cáo tình hình phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện đến các chuyên gia của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Xác định có tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp chăn nuôi; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết được xem là một trong những hành động thể hiện sự đổi mới, đột phá về tư duy cũng như cách làm trong nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi; tuy nhiên, ngành chăn nuôi của huyện vẫn còn một số bất cập. Dễ thấy nhất là, việc chăn nuôi của người dân chủ yếu theo phương thức chăn thả nhỏ lẻ; riêng đối với chăn nuôi trâu, bò thì hiện nay chưa được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Bên cạnh đó, chưa hình thành các điểm nuôi tập trung; hơn nữa tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ... Trước thực trạng đó, Đảng bộ huyện đang tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn trâu, bò sinh sản và thương phẩm theo hình thức nuôi nhốt tập trung; từ đó đưa trâu, bò trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân cũng như phát triển đàn gia súc một cách bền vững.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy Mường Nhé, hiện nay cấp ủy, chính quyền các xã đang đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích của việc chăn nuôi đại gia súc; từ đó chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung. Tại các xã, như: Nậm Kè, Leng Su Sìn, Sín Thầu, Mường Nhé, Mường Toong hiện nay đã quy hoạch một số vị trí để phát triển đàn gia súc. Một số hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu cũng đã chọn địa điểm, quỹ đất, đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và các loại nguyên liệu để phát triển chăn nuôi theo tinh thần chủ trương của Đảng bộ huyện.

Anh Ngô Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông – lâm nghiệp Mường Nhé giới thiệu về địa điểm, quy mô xây dựng trang trại chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung tại bản Á Di, xã Leng Su Sìn.

Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Mường Nhé do anh Ngô Văn Nam làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi đại gia súc theo chủ trương của huyện, với quy mô từ 2.500 - 3.000 con trâu, bò trên diện tích hơn 30ha tại bản Á Di, xã Leng Su Sìn. Anh Nam chia sẻ: “Hợp tác xã đang làm đất, chuẩn bị trồng cỏ, huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư con giống. Dự kiến đến tháng 8/2021 tới đây, đơn vị sẽ nhập khoảng 1.000 con giống, chủ yếu là giống trâu, bò lai tạo về nuôi thử nghiệm. Mô hình thành công, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đồng thời làm mô hình điểm để người dân trên địa bàn học tập”.

Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện Mường Nhé là 15.734 con. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt trên 20.000 con; trong đó, xây dựng ít nhất mỗi xã có từ 1 mô hình nuôi nhốt tập trung trở lên; phát triển trên 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi/hợp tác xã.

Để khẳng định tính khả thi chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung, cũng như giúp người dân nhận thức đầy đủ chủ trương của huyện, ngày 24/4 vừa qua, Huyện ủy Mường Nhé đã mời các chuyên gia của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến Mường Nhé hỗ trợ huyện khảo sát thực tế và xây dựng đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc. Sau 2 ngày làm việc và qua khảo sát thực tế, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu khẳng định: Chủ trương phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc; đề ra chiến lược phát triển theo từng giai đoạn của huyện Mường Nhé là hướng đi đúng, nhiều tỉnh Tây Bắc đã làm và đã thành công. Vấn đề mấu chốt là trong thời gian tới, huyện Mường Nhé cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất chăn nuôi; vận động người dân chuyển hình thức từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, bán chăn thả; dần dần chuyển nuôi nhốt hoàn toàn, có chăm sóc, kiểm soát, sẽ nâng cao được hiệu quả. Về phía Viện Chăn nuôi, đơn vị cam kết hỗ trợ tối đa về nhân lực, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tiếp tục cử các chuyên gia đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé trong quá trình thực hiện đề án..Không chỉ hành động quyết liệt trong lộ trình phát triển ngành chăn nuôi, hiện nay, huyện Mường Nhé cũng đang khai thác triệt để thế mạnh về tiềm năng du lịch. Theo ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Mường Nhé là nơi có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn được tham quan các điểm du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, chợ phiên Nậm Pố, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước... Với những tiềm năng sẵn có, huyện đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ là một trong một những điểm đến hấp dẫn trong chuỗi sản phẩm du lịch của tỉnh, từ đó tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ.

Nhằm đánh giá lại tiềm năng cũng như lợi thế về du lịch của huyện, trong quý I/2021, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và một số phòng, ban chuyên môn đã tổ chức nhiều đợt khảo sát tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời, mời các doanh nghiệp kinh doanh du lịch như: Đoàn Famtrip Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội... đến khảo sát tiềm năng du lịch tại huyện, từ đó làm căn cứ để ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, huyện cũng đã và đang tích cực phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tổ chức phục dựng một số lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây, như: Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống... từ đó tạo điểm nhấn trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Bài 3: Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Văn Quyết

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/187087/muong-nhe-khat-vong-vuon-len-bai-2