Mường Nhé phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống
ĐBP - Là huyện biên giới, nơi cư trú của 11 dân tộc anh em (Mông, Thái, Hà Nhì...) với nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc, như: Các trò chơi, lễ hội dân gian truyền thống, múa khèn... Do vậy, để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện Mường Nhé đã và đang chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội, làng nghề truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây.
Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị lễ vật dâng lên tổ tiên trong lễ phục dựng Lễ Gạ Ma Thú ở xã Sín Thầu.
Trong kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Mường Nhé không thể không nhắc đến những nét văn hóa độc đáo, tinh túy (tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, âm nhạc, tri thức dân gian…). Ðặc biệt, hiện nay bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, các lễ hội đặc trưng, như: Tết cổ truyền (Hồ Sự Chà), Múa (Cá nhi nhi), Lễ Cúng bản (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; Lễ cúng cơm mới, lễ cưới, nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; lễ cúng tổ tiên của người dân tộc Thái, lễ cúng tổ tiên của người Cống... Mới đây, chúng tôi đã được chứng kiến buổi phục dựng lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) tại xã Sín Thầu. Tuy không phải lễ chính thức, nhưng việc phục dựng bài bản, đầy đủ các nghi thức của lễ cúng bản đã khiến du khách cảm nhận sâu sắc, ấn tượng về lễ tục truyền thống của dân tộc Hà Nhì nơi cực Tây của Tổ quốc. Lễ Gạ Ma Thú là lễ tục tinh thần được dân tộc Hà Nhì gìn giữ, lưu truyền lâu đời nhằm hướng về cội nguồn và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu chia sẻ: “Việc phục dựng, bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống Hà Nhì không chỉ góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống, lưu truyền cho thế hệ sau mà hơn thế nữa đó còn là cơ hội để người dân nơi đây mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến với xã Sín Thầu nói riêng, cộng đồng người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc nói chung. Ðặc biệt, việc làm du lịch còn góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, đảm bảo nguồn thu nhập”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Những năm qua, các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn, phát huy tác dụng và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng làm phong phú thêm nền văn hóa của huyện, thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Ðặc biệt, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được hiệu quả, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của huyện như: Khu rừng bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Chung Chải; Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; cột mốc biên giới số O tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào, chợ phiên tại lối mở A Pa Chải... Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng mở rộng không gian phát triển du lịch; kêu gọi, thu hút đầu tư các khu du lịch. Ðầu tư các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo hướng đảm bảo tiện nghi nhưng vẫn mang phong cách truyền thống dân tộc. Ða dạng hóa các dịch vụ phục vụ khách du lịch, ưu tiên các dịch vụ vui chơi, giải trí truyền thống, làng nghề du lịch trình diễn, nhà hàng du lịch tại các khu du lịch... Hiện toàn huyện có 11 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 200 phòng nghỉ. Cùng với đó, cấp ủy Ðảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể (huyện đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 83/95 bản, 10 dân tộc). Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; loại bỏ hủ tục, duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa khai thác phát triển du lịch cộng đồng bền vững cho tương lai. Hàng năm huyện còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa văn nghệ; các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Ðể bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch, bên cạnh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì chính người dân cần tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðó được xem là lời giải cho bài toán kết hợp giữa phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc nơi cực Tây Tổ quốc.