Mường Tè: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Huyện Mường Tè có tiềm năng, lợi thế về diện tích tự nhiên lớn, nhiều bãi chăn thả, đồng cỏ tự nhiên, người dân các xã, thị trấn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mường Tè tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; chuyển từ tập quán thả rông sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, tập trung theo mô hình gia trại, nhóm hộ.
Các xã, thị trấn phối hợp với các phòng chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêm phòng vắcxin đầy đủ, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại; vận động người dân trồng cỏ voi để tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc. Các tổ chức hội, đoàn thể tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống. Hiện, tổng dư nợ đạt hơn 436,6 tỷ đồng với 5.991 hộ vay vốn.
Được hỗ trợ vốn cũng như tham gia các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi, nông dân huyện Mường Tè đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, đàn vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển tốt, hiện có 42.460 con gia súc và 140.000 con gia cầm các loại.
Ông Đao Văn Chức (bản Bum, xã Bum Nưa) cho biết: “Nhiều năm trước, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi theo hình thức chăn thả nên vật nuôi hay bị bệnh, mất mát nhiều. Được cán bộ xã hướng dẫn, tuyên truyền, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát nuôi nhốt gia súc, tích cực bổ sung thức ăn. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh, hằng ngày vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng tốt, đến nay có 10 con bò, mỗi năm bán từ 3-4 con, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình tôi chăm sóc 100 con gia cầm; 300m2 diện tích ao nuôi thủy sản mang lại thu nhập cho gia đình”.
Không chỉ gia đình ông Chức mà nhiều hộ dân ở xã Bum Nưa cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Vàng Thị Thánh – Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: “Xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn thả sang nuôi nhốt, tăng cường vỗ béo cung cấp ra thị trường; xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật, phòng bệnh hiệu quả. Tích cực trồng cỏ voi, thu gom rơm rạ sau mỗi vụ mùa để làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Đối với các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 48 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã có 4.241 con gia súc và 23.790 con gia cầm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2024 xuống còn khoảng 17%”.
Năm 2024, ở một số bản của xã Thu Lũm xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu phi làm chết gần 30 con lợn, trọng lượng ước tính 835kg. Ngay khi phát hiện, UBND xã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo dõi sát sao đàn vật nuôi. Tiến hành tiêm phòng lở mồm long móng được 200 liều, dịch tả lợn Châu phi 380 liều, phun 90 lít thuốc sát trùng, rải 35 bao vôi bột để khử trùng chuồng trại sạch sẽ. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát và khống chế. Hiện xã có 2.621 con gia súc; 9.887 con gia cầm.
Anh Lùng Văn Sáng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè cho biết: “Để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm, giống vật nuôi, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Hiện, đang là mùa đông, nhiều nơi nhiệt độ xuống thấp, dễ xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài và nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất cao. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo nông dân chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn”.
Với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mường Tè có nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.