Mưu đồ lật đổ lần 3 - ông Mahathir 'lên đạn' cho trận chiến cuối cùng
Chính trường Malaysia vốn ganh đua gay cấn giờ còn gay cấn gấp bội, khi cựu thủ tướng Mahathir Mohamad lại tham vọng lật đổ chính phủ hiện tại - là lần thứ ba ông muốn làm vậy.
Ngày 9/5, ông Mahathir và Anwar Ibrahim, đối thủ chính trị lâu năm của ông Mahathir và là cựu phó thủ tướng, ra thông cáo chung cam kết cùng nhau lật đổ chính phủ hiện tại của Thủ tướng Muhyiddin Yassin.
Ông Mahathir, sẽ tròn 95 tuổi tháng 7 này, tỏ ra lạc quan. Rõ ràng ông có kinh nghiệm trong việc này, vì đây sẽ là lần thứ ba ông cố gắng lật đổ một thủ tướng.
Các mối quan hệ và tranh đấu giữa ông Mahathir, ông Anwar Ibrahim và Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin Yassin phức tạp như một mê cung - qua nhiều lần bắt tay với nhau để rồi lại quay sang chống lại nhau. Để hiểu những tranh đấu phức tạp này cần nhìn lại quá khứ.
Lật đổ hai thủ tướng kế nhiệm vì bất mãn
Ông Mahathir, thủ tướng thứ tư của Malaysia kể từ khi nước này giành độc lập, đã lãnh đạo Malaysia từ năm 1981 đến năm 2003, khi đó ông chỉ định Abdullah Badawi là người kế nhiệm.
Nhưng việc ông Abdullah cho phong tỏa một dự án giao thông do chính phủ trước khởi công, trong nỗ lực chống tham nhũng lãng phí, đã khiến người tiền nhiệm bất mãn.
Sau khi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) thất bại trong bầu cử 2008, ông Mahathir, còn có biệt danh Tiến sĩ M, yêu cầu ông Abdullah từ chức. Năm sau đó, ông Abdullah phải từ chức và ông Najib Razak lên thay.
Ông Najib là nhân vật có dòng dõi chính trị, là con cả của Abdul Razak, thủ tướng thứ hai của Malaysia, và cháu của Hussein Onn, thủ tướng thứ ba của Malaysia.
Nhưng ông Najib có mâu thuẫn ngày càng gay gắt với ông Mahathir. Sau khi lên nắm quyền, ông Najib cố gắng sửa đổi lại chính sách hỗ trợ người Mã Lai mà ông Mahathir từng thúc đẩy.
Ông Najib cũng từ chối hỗ trợ tài chính cho Proton, một công ty xe hơi Malaysia đang thua lỗ nhưng được ông Mahathir ủng hộ từ lâu. Cuối cùng, ông Najib cho bán 49% cổ phần, tức bán đi toàn bộ cổ phần của chính phủ trong Proton.
Ông Mahathir rõ ràng coi đó là sự xúc phạm, và trả đũa bằng việc cho phơi bày cáo buộc ông Najib biển thủ hàng tỷ USD từ một quỹ đầu tư quốc gia, 1MDB. Vụ bê bối này nổi lên năm 2015, và được coi là đòn quyết định giáng vào sự nghiệp chính trị của ông Najib.
Trở lại làm thủ tướng, hứa chuyển giao sau hai năm
Ông Mahathir lật đổ ông Najib bằng cách đánh bại đảng UNMO lúc đó đang cầm quyền của ông Najib trong cuộc bầu cử năm 2018. Để đánh bại ông Najib, ông Mahathir, khi ấy đã 92 tuổi, hợp tác với ông Anwar. Nhờ vậy, ông Mahathir trở lại là thủ tướng lần đầu tiên sau 15 năm, và hứa sẽ trao quyền lực cho ông Anwar sau hai năm.
Nhưng ông Mahathir đã không cung cấp khung thời gian cụ thể cho việc chuyển giao, gây bất đồng trong liên minh cầm quyền. Nhờ vậy, ông Muhyiddin, cánh tay phải của ông Mahathir, nắm cơ hội đó và “đá” ông Anwar ra khỏi cuộc chơi.
Đến cuối tháng 2, ông Muhyiddin yêu cầu nhà vua Malaysia sắp xếp lại liên minh cầm quyền bằng cách đưa đảng UNMO vốn vừa bị thất bại trở lại liên minh.
Nhưng ông Mahathir, vì không muốn hợp tác với đảng cũ của mình, phản đối bằng cách từ chức thủ tướng. Động thái bất ngờ đó phản tác dụng, không theo ý ông Mahathir, và cho ông Muhyiddin cơ hội nắm sự kiểm soát.
Ông Muhyiddin chớp thời cơ nắm quyền
Giữa sự mù mờ này, nhà vua Malaysia, vốn có quyền chỉ định thủ tướng, triệu tập cuộc họp các nghị sĩ và chỉ định ông Muhyiddin làm thủ tướng, và nói ông Muhyiddin đã có đa số ủng hộ. Ông Mahathir khẳng định mình mới có đa số, nhưng đã không thắng được cuộc tranh đấu này.
Đó chính là bối cảnh dẫn đến diễn biến mới nhất được nhắc tới ở đầu bài, là ông Mahathir và ông Anwar Ibrahim ra thông cáo hợp tác để chống lại ông Muhyiddin.
Theo truyền thông địa phương, hai bên vẫn đang tranh giành đằng sau hậu trường để có đa số ủng hộ tại Hạ viện trước khi Quốc hội họp trở lại vào tháng 7.
Dự định của ông Mahathir là đệ trình một thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm lên Quốc hội, vốn dự định họp ngày 18/5. Nhưng Thủ Tướng Muhyiddin đã “ra tay trước” bằng cách ra lệnh cho chủ tịch Hạ viện tạm hoãn họp Quốc hội, theo sau bài phát biểu của nhà vua, và lấy lý do là phải đối phó với virus corona.
Ông Mahathir sẽ gặp thách thức vì chính phủ Malaysia đang xếp hạng cao về lòng tin của công chúng, ở mức 93%.
Nguy cơ chấm dứt sự nghiệp chính trị
Masashi Nakamura, phó tổng giám đốc Viện Các nền kinh tế Đang phát triển, một viện chính sách Nhật Bản, cho rằng ông Mahathir có thể không có nghị trình chính sách rõ ràng. Giai đoạn thứ hai làm thủ tướng của ông có nhiều động thái muốn đảo ngược chính sách của ông Najib, như bỏ thuế tiêu thụ và rà soát lại một số chính sách hạ tầng.
“Tôi không thể thấy tầm nhìn chính sách nào rõ ràng”, ông nói với Nikkei Asian Review.
Khi ông Mahathir hứa sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar trong hai năm, có thể tuổi tác là một yếu tố. Nhưng một mục tiêu của ông lại không thành: đưa Malaysia đạt vị trí nước phát triển vào năm 2020. Ông Mahathir có thể vẫn đang hy vọng đạt được “Tầm nhìn 2020” mà ông đã công bố năm 1991 khi còn là thủ tướng.
Nền kinh tế đi xuống của Malaysia đã buộc ông Mahathir phải lùi mục tiêu đó đến năm 2024. Điều này có khả năng khiến ông Mahathir phải nghỉ hưu, từ giã chính trị mà không có được tiếng vang.
Muhamad Takiyuddin, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Malaysia, bình luận: “Chúng tôi vẫn tôn trọng ông với tư cách một chính trị gia. Tuy nhiên, giờ đây ông đã từ người hùng trở thành tay trắng (hero-to-zero). Ông ấy chính là người từ chức, giờ lại muốn có lại sứ mệnh chính trị”.
Sự nghiệp chính trị của ông Mahathir chắc chắn sẽ chấm dứt nếu ông không lật đổ được ông Muhyiddin. Ngay cả nếu ông thành công, quan hệ của ông Anwar vẫn sẽ lại căng thẳng. Sau cùng, ông Mahathir cũng sẽ phải trả lời câu hỏi liệu ông có bước sang một bên để chuyển giao lại cho ông Anwar hay không.