Mưu đồ xấu xa của một bản phúc trình
Mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã cho công bố bản phúc trình với nhiều cáo buộc vô căn cứ, đổi trắng thay đen về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Mượn danh nhân quyền để nói xấu Việt Nam
Với tựa đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”, bản báo cáo dài 66 trang này thực chất là tổng hợp các nội dung mà HRW xuyên tạc về tình hình Việt Nam trong suốt thời gian từ năm 2004 đến năm 2022. Trong đó, tập trung vào việc vu cáo, xuyên tạc rằng Việt Nam đang hạn chế quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác của những cái gọi là các nhà “hoạt động”, những người “bất đồng chính kiến”, người “bảo vệ nhân quyền”.
Đi cùng với bản phúc trình này là những phát biểu bịa đặt, vô căn cứ của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW rằng: “Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị, khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với rủi ro thường trực...”, rằng “Nhà cầm quyền áp dụng các chiến thuật lạm dụng nhân quyền như quản chế các nhà hoạt động tại gia vô thời hạn, câu lưu khi họ rời khỏi nhà, và cấm xuất cảnh trên cơ sở các lý do an ninh quốc gia ngụy tạo”…
Một lần nữa, chúng ta lại thấy các thế lực thiếu thiện chí, thù địch mượn danh vấn đề nhân quyền để xuyên tạc tình hình đất nước, hòng làm mất đi hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển trên trường quốc tế. Hãy xem những đối tượng mà HRW gọi là các nhà “hoạt động”, những người “bất đồng chính kiến”, người “bảo vệ nhân quyền” nêu trong báo cáo như Phạm Chí Thành, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Tường Thụy... là ai.
Thời gian qua, theo tiến trình tố tụng, các tòa án ở nước ta đã đưa ra xét xử một số đối tượng về các tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 14-12-2021, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) 9 năm tù. Cáo trạng đã chỉ rõ rằng, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm, tàng trữ, lưu hành và tán phát các tài liệu, vật phẩm có nội dung chống phá Nhà nước CNXHCN Việt Nam.
Trước đó, ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù; các bị cáo Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi bị cáo 11 năm tù, cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Như bao vụ án hình sự khác ở nước ta, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo trên đều diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí như HRW lại luôn tìm cách lợi dụng để tung ra những thông tin, luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo để lên án và chỉ trích Việt Nam. Mục đích là nhằm gây sức ép đòi có những thay đổi chính trị ở Việt Nam. Bằng chứng là cùng với việc công bố báo cáo “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW Phil Robertson kêu gọi: “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hàng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử gây tê liệt người dân như thế”.
Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận
Những việc làm như của HRW là hành động không thể chấp nhận được bởi nó xâm phạm công việc nội bộ của Việt Nam. Đặc biệt là nó không phản ánh thực chất nỗ lực bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Với Việt Nam, nhân quyền không phải là khái niệm trừu tượng, những câu chữ trong các văn bản, mà là tiêu chí sống, môi trường sống, được hiện thực hóa qua các giá trị vật chất - tinh thần mà tất cả người dân đều được thụ hưởng. Nhân quyền không chỉ thể hiện qua quan niệm, chủ trương, chính sách mà còn thể hiện qua hành động thiết thực để nhân quyền thật sự trở thành giá trị xã hội và là tài sản của nhân dân.
Trước hết là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế-xã hội. Sau 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 tăng lên 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần), GDP bình quân đầu người 3.521 USD. Năm 2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tăng 7 bậc so với năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới.
Các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an toàn, an sinh xã hội được quan tâm thúc đẩy và thực hiện đồng bộ, đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,42% mỗi năm; cả nước có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tuổi thọ trung bình tăng 4,8 năm; số năm đi học tăng 4,3 năm...
Thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam còn được thể hiện trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)…, vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.
Báo chí Việt Nam những năm qua tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, chất lượng. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 21.000 trường hợp đã được cấp Thẻ nhà báo, khoảng 25 nghìn người có Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Những nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận. Điều đó đặt ra yêu cầu phải chủ động tuyên truyền về thành tựu to lớn của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và thực hiện quyền con người, đồng thời làm rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thiếu thiện chí, thù địch, chống phá lợi dụng vấn đề quyền con người để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/muu-do-xau-xa-cua-mot-ban-phuc-trinh-post497637.antd