Mưu sĩ giỏi nhất Tam quốc, Khổng Minh kính nể tự nhận kém xa
Khi nhắc đến Gia Cát Lượng, nhiều người nghĩ ngay đến mưu sĩ tài ba nổi tiếng thời Tam quốc. Tuy nhiên, xét về bản lĩnh, Khổng Minh tự nhận không bằng người này.

Gia Cát Lượng được biết đến là quân sư kiệt xuất thời Tam quốc. Ông được mô tả là người túc trí đa mưu, liệu sự như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Với tài năng xuất chúng, Khổng Minh đã hiến nhiều mưu kế giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục.

Theo đó, Khổng Minh trở thành khai quốc công thần của nhà Thục. Được sự tin tưởng và trọng dụng của Lưu Bị, ông được hoàng đế nhà Thục phong làm thừa tướng - chức vụ chỉ dưới nhà vua.

Nhiều người tin rằng, Gia Cát Lượng là đệ nhất mưu sĩ thời Tam quốc. Thế nhưng, ông vô cùng kính nể, thậm chí tự nhận không bằng Lưu Ba - mưu sĩ xứng danh "cao nhân" của nhà Thục.

Lưu Ba tự là Tử Sơ, sinh tại phía Nam quận Linh Lăng, thuộc Kinh Châu thời bấy giờ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời làm quan lại. Ông nội của Lưu Ba là Lưu Diệu, từng làm quan tới chức Thái thú Thương Ngô. Phụ thân Lưu Tường cũng từng đảm nhiệm chức Thái thú Giang Hạ, Tướng quân Đãng Khấu.

Ngay từ khi còn nhỏ, Lưu Ba đã bộc lộ sự thông minh, học rộng hiểu sâu nhưng kiêu ngạo. Dù cùng mang họ Lưu nhưng Lưu Ba khinh thường xuất thân của Lưu Bị - người từng làm nghề bán giày.

Năm 18 tuổi, Lưu Ba làm Tào sử chủ ký chủ bộ ở quận Linh Lăng. Lúc này, Lưu Bị đến Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Dù Lưu Biểu liên tục tiến cử làm Mậu Tài nhưng Lưu Ba đều không tới. Năm 208, Lưu Biểu chết, Tào Tháo đánh Kinh Châu.

Trong lúc Lưu Bị chạy xuống phía Nam cùng một số người khác thì chỉ riêng Lưu Ba đi lên phía bắc gặp Tào Tháo. Ông khuyên Tào Tháo nhất định không thể để Lưu Bị chiếm Kinh Châu. Nhờ tài năng hơn người, ông được Tào Tháo lấy làm Duyện, sai đi chiêu nạp kẻ sĩ ở các quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương.

Thế nhưng, sau khi Tào Tháo bại trận ở Xích Bích, phải rút về phía bắc, Lưu Bị chiếm được ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương. Do đó, Lưu Ba không thể đi theo Tào Tháo.

Nhờ Gia Cát Lượng hết lòng chiêu mộ, Lưu Ba cuối cùng quy phục Lưu Bị vào năm 214. “Về bản lĩnh bày mưu tính kế, Lượng thua xa Tử Sơ”, Khổng Minh nhận xét về tài năng của Lưu Ba.

Lưu Ba nhiều lần hiến kế giúp Lưu Bị đạt được nhiều mục tiêu, góp phần giúp nhà Thục vững mạnh. Ông cũng là người chấp bút nhiều loại văn cáo sách mệnh sau khi Lưu Bị lên ngôi vua. Lưu Ba qua đời năm 222. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Trung Quốc ra mắt tàu treo tự động trên cao. Nguồn: VTV24.