Mưu sinh bằng nghề độc hại
Phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là hoạt động sử dụng hóa chất để phun trên đồng ruộng nhằm phòng, trừ các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Người thực hiện phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, nên ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó, nhiều người luôn tìm cách tránh né. Thế nhưng, có những người vì gánh nặng mưu sinh, đành chấp nhận đánh đổi sức khỏe và những hệ lụy để làm nghề.
Người dân phun thuốc BVTV trên cánh đồng xã Định Hưng (Yên Định).
Mới sáng sớm, cánh đồng Bờ Đa, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã nồng nặc mùi thuốc BVTV, người đi đường đều bịt mũi, cố đi thật nhanh. Thế nhưng bà Phạm Thị Thúy Tho, xã Tiến Lộc vẫn cõng trên lưng bình phun thuốc BVTV 20 lít, lội bì bõm, chậm rãi, nhịp nhàng đưa chiếc cần phun thuốc dài hơn 1m lướt từng hàng, từng rãnh lúa.
Bà Tho nói, vụ thu mùa năm nay sâu bệnh trên lúa phát sinh tuy không nặng, song lại diễn ra suốt cả vụ, hết lứa sâu này đến lứa sâu khác, hết bệnh này đến bệnh khác, nên công việc phun thuốc BVTV của bà cũng vì thế được duy trì đều đặn, thu nhập cũng khá. Cái nghề này gắn bó với bà đã ngót chục năm nay, trước đây, phun xong một bình thuốc BVTV bà chỉ được chủ ruộng trả cho 20.000 đến 30.000 đồng, nhưng công việc không đều vì nhiều nhà tự phun nếu ruộng có sâu bệnh. Vài năm trở lại đây, đời sống nâng cao, nhiều người không muốn đụng vào hóa chất độc hại nữa nên đều thuê bà phun, hơn nữa do thấy được tính độc hại của nghề, nên giá thuê cũng được nâng lên 50.000 đồng mỗi bình phun. Trung bình, để phun hết 1 bình thuốc bà cần đến 1 tiếng đồng hồ, bình quân mỗi ngày thu nhập của bà được 300.000 đến 400.000 đồng từ công việc độc hại này.
Khi được chúng tôi hỏi về nỗi lo độc hại từ nghề, bà bày tỏ: Không ai là không biết sự độc hại chết người từ các loại thuốc BVTV. Là người trực tiếp tiếp xúc liên tục trong nhiều năm, bà càng hiểu rõ được sự độc hại đó. Nhớ có những lần phun bị ngược gió, bà bị mùi thuốc làm ngạt thở, ngất xỉu, may có người đi đường dìu lên cho uống nước, sơ cứu một lúc mới tỉnh. Có không ít lần lưng bà bị mẩn đỏ vì nước thuốc phun ngấm vào người. Khó thở, tức ngực vì hít nhiều mùi thuốc là những hiện tượng thường thấy. Biết là mang hại vào thân, nhưng vì cái gánh nặng mưu sinh nên không cho bà thời gian và cơ hội lựa chọn. Bởi thế, cái nghề độc hại cứ theo bà lay lắt tồn tại trong nhiều năm.
Đối với anh Trịnh Công Bình, thôn Lăng, xã Vạn Thắng (Nông Cống), tiền công từ cái nghề phun thuốc BTVT không chỉ để mưu sinh, mà còn giúp anh trang trải thuốc men nuôi đứa con trai tật nguyền và bà mẹ già liệt nằm một chỗ. Anh Bình chia sẻ: Với một người sức vóc như anh thì dư sức để ra ngoài tìm được một công việc lao động tay chân. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nên anh không thể đi làm xa hoặc làm cái nghề yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian, vì anh còn phải lo việc sinh hoạt cho mẹ và con trai. Nhìn đi nhìn lại thì thấy cái nghề phun thuốc BVTV và các hóa chất khác là phù hợp hơn cả. Bởi, nghề này tranh thủ được thời gian, lại được trả tiền công luôn trong ngày. Hơn nữa, do đa phần được thuê khoán, nên anh chủ động được việc sắp xếp thời gian phun phù hợp.
Tâm sự với chúng tôi về sự nhọc nhằn, độc hại từ nghề phun thuốc BVTV, anh Bình cho biết: Nghề này độc hại nên tàn phá sức khỏe ghê lắm, một người cao khỏe như anh mà có hôm đeo bình phun mới được hơn nửa đám ruộng thì đã thấy hoa mắt, chóng mặt, người mệt lả phải nghỉ giữa chừng. Cũng có hôm sau khi phun liên tục 4 bình thuốc thì thấy người nóng ran, rồi cảm thấy khó thở, tức ngực, phải nghỉ ngơi, uống thuốc giải độc mấy hôm mới thấy đỡ. Bấy nhiêu đó cũng đủ để anh cảm nhận được sự độc hại và nguy hiểm từ nghề. Dẫu biết thế, nhưng vì áp lực cuộc sống nên anh đành chấp nhận.
Những người làm nghề phun thuốc BVTV đều nhận thức được sự độc hại và nguy hiểm từ nghề, song việc trang bị cho mình những đồ dùng bảo hộ trong quá trình lao động, nhằm giảm thiểu sự độc hại đối với người sử dụng lại chưa được xem trọng. Theo quan sát của chúng tôi, đồ bảo hộ được những người phun thuốc BVTV sử dụng trong quá trình phun chỉ có chiếc khẩu trang, mũ hoặc nón đội đầu, ai cẩn thận hơn thì mặc thêm một cái áo mưa mỏng. Vì vậy, nguy cơ tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải mùi thuốc BVTV là không thể tránh khỏi. Điều này gây nguy hại trực tiếp và những hệ lụy về sau đối với sức khỏe người lao động.
Theo tìm hiểu, khảo sát của chúng tôi, nghề phun thuê thuốc BVTV đã được hình thành từ nhiều năm trước, nhưng vài năm trở lại đây, do nhiều người không muốn tiếp xúc với hóa chất độc hại nên đã sẵn sàng bỏ tiền thuê người phun các loại thuốc BVTV khi có sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Vì thế, cái nghề chuyên phun thuốc BVTV cũng từ đó được phát triển ở các làng quê. Do nghề có tính độc hại cao, nên thông thường mỗi thôn chỉ có khoảng 2 đến 3 người, những người này đa phần là người có hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều sự lựa chọn về công việc, nên đành dấn thân vào nghề, phó mặc cho những nguy cơ và hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe sau này.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/muu-sinh-bang-nghe-doc-hai/124980.htm