Những ngày này, tại Thanh Hóa cũng như miền Trung trời nắng nóng gay gắt, nền nhiệt ngoài trời luôn ở mức cao, nhiều thời điểm lên đến hơn 40 độ C.
Dù nắng nóng đỉnh điểm, nhưng ở làng nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, người dân vẫn ngày ngày mưu sinh bên những lò lửa rực đỏ lên tới cả 1.000 độ C.
Là người có thâm niên 40 năm làm nghề rèn, ông Hoàng Văn Lộc (SN 1972, ở xã Tiến Lộc) cho biết: Cuộc sống của ông đã gắn liền với những chiếc búa, những thanh sắt đỏ rực vừa được lấy ra từ lò lửa. Ngày nay, tuy có máy móc hỗ trợ, nhưng chiếc bếp lò đỏ lửa vẫn không thể thay thế được, làm việc gần bếp lửa, cứ một lúc là mồ hôi ông ướt đẫm.
Với tiết trời nắng nóng tới 40 độ C, những người làm nghề lâu năm như ông Lộc thường phải dậy từ 4 giờ sáng làm việc tới khoảng 9-10 giờ thì nghỉ, chiều từ 15 giờ tới 18 giờ tối để tránh thời điểm nắng nóng đỉnh điểm.
Nghề rèn mang lại cho người dân cuộc sống ổn định hơn, dù nó rất cơ cực, vất vả. Đặc biệt, trong tiết trời nắng nóng, người làm nghề càng thêm khó nhọc, bởi không chỉ đối mặt với nắng nóng, họ còn thường xuyên tiếp xúc với những chiếc lò lửa lên tới cả 1.000 độ C.
Dù đã được máy móc hỗ trợ rất nhiều, thế nhưng công đoạn nung nóng những thanh sắt vẫn phải sử dụng những chiếc lò lửa bằng than. Chiếc bếp lửa vẫn không thể thiếu, luôn luôn ở bên người lao động, vì thế nắng nóng khiến người dân làng rèn thêm vất vả.
Để hạ nhiệt, quanh những người thợ ở làng rèn luôn phải bật hết công suất những chiếc quạt công nghiệp.
Các sản phẩm ở làng rèn Tiến Lộc ngày nay rất đa dạng chủng loại, mẫu mã.
Công việc ở làng nghề rèn rất nặng nhọc, thường dành cho nam giới, nhưng những người phụ nữ ở đây vẫn có thể đảm đương được các công việc nhẹ như mài dao, hay tra cán, đóng gói sản phẩm.
Hình ảnh những người phụ nữ tham gia công đoạn hoàn thiện sản phẩm ở làng rèn Tiến Lộc.
Nghề rèn ở Tiến Lộc không biết có từ bao giờ, hiện giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một nửa dân số của xã.
Hoàng Đông