Mưu sinh lòng hồ gắn với môi trường sinh thái
Bình Phước có diện tích lòng hồ thủy điện rộng lớn, đây là điều kiện thuận lợi để hàng trăm hộ dân vùng ven phát triển kinh tế gia đình thông qua đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Cùng với phát triển kinh tế đã ít nhiều tác động xấu đến môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học ở lòng hồ như tình trạng vứt rác, xả thải bừa bãi, đánh bắt tận diệt… Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ngành chức năng nên môi trường sinh thái tại các lòng hồ cơ bản được kiểm soát, bảo vệ tốt.
Tạo sinh kế cho người dân
Lòng hồ thủy điện Thác Mơ có hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè, chủ yếu trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Nguồn thức ăn chính là cá tạp đánh bắt từ tự nhiên nên chất lượng thương phẩm thơm ngon, đầu ra khá thuận lợi, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường từ các nguồn thực phẩm. Dù thu nhập từ nuôi cá lồng bè không cao nhưng đã tạo sinh kế ổn định cho nhiều hộ dân suốt thời gian dài, nhất là các hộ Việt kiều Campuchia.
Không giấy tờ tùy thân, nhà cửa nên hơn 20 năm nay gia đình ông Nguyễn Văn Thâu, ngụ thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh sống lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ bằng nghề nuôi cá lồng bè. Nguồn thu dù không cao nhưng đã nuôi 7 người trong gia đình ông Thâu hàng chục năm qua. Ông Thâu cho biết, thời gian trước nuôi nhiều loại cá nhưng gần đây chủ yếu nuôi 2 loại là lăng nha và lăng vàng, vì giá ổn định, dễ tìm đầu ra. Đặc biệt, thức ăn của cá là cá tạp từ tự nhiên nên thịt săn chắc, thơm ngon, được nhiều nhà hàng trên địa bàn đặt mua.
Hiện xã Đức Hạnh có 12 hộ Việt kiều Campuchia mưu sinh bằng nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Hội Nông dân xã đã và đang tìm giải pháp, tham mưu thành lập tổ hợp tác nuôi cá lồng bè nhằm tìm nguồn vốn hỗ trợ cũng như đầu ra ổn định cho các hộ dân.
Thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long hiện có khoảng 30 hộ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. So với một số khu vực khác, các hộ nuôi cá nơi đây kết hợp với làm vườn rẫy nhằm tăng thu nhập nên không dựng nhà trên bè để ở. Anh Lê Hữu Toàn, nuôi cá ở lòng hồ Thác Mơ đã 6 năm cho biết, nuôi cá ở đây không mất kinh phí mua thức ăn cũng như cá giống nên ít tốn kém chi phí. Tuy nhiên, so với một số ngành nghề khác, nuôi cá lồng bè thường “lấy công làm lời” bởi giá cả bấp bênh, không ổn định.
Lòng hồ thủy điện Cần Đơn cũng đem lại sinh kế lâu dài cho nhiều hộ dân, nhất là hộ Việt kiều Campuchia. Ngư dân Phạm Văn Đủ, ngụ thôn Bù Tam, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng bè đảm bảo cuộc sống hằng ngày, còn làm giàu thì rất khó. Bởi muốn thu nhập cao phải đầu tư vốn lớn, nhất là đối với cá lăng nha, lăng vàng. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi cá lồng bè đều là Việt kiều Campuchia không có nhiều vốn cũng như tài sản thế chấp để vay vốn. Bởi vậy, cần liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để làm cơ sở tìm nguồn vốn vay cũng như liên kết chia sẻ kinh nghiệm và tìm đầu ra ổn định.
Kiểm soát chặt hoạt động lòng hồ
Cùng với nuôi cá mưu sinh thì các hoạt động trên lòng hồ thủy điện được các địa phương quan tâm vào cuộc, với phương châm không phá vỡ hệ sinh thái cũng như cảnh quan tự nhiên vốn có.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long Nguyễn Việt Hoàng cho biết: Việc kiểm soát, bảo vệ, phát triển các hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ những năm qua được địa phương thực hiện theo định hướng vừa khai thác tối đa tiềm năng thủy sản nhưng không phá vỡ cảnh quan vốn có của lòng hồ. UBND thị xã đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan hướng dẫn các hộ lập phương án nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện và tham gia thẩm định, phê duyệt phương án. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoạt động nuôi cá lồng bè của các hộ theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, để phát triển nguồn lợi thủy sản hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái, UBND thị xã phối hợp các sở, ngành liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ mang tính tận diệt để khai thác thủy sản. “Thời gian qua, chúng tôi chưa phát hiện vụ đánh bắt cá tận diệt nào. Chính quyền địa phương đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp dùng lưới xung điện đánh bắt cá, thậm chí thấy đối tượng mang dụng cụ như xung điện đi trên đường, chúng tôi thực hiện kiểm tra, xử lý theo quy định” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long Nguyễn Việt Hoàng cho biết thêm.
Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Gia Mập Lê Minh Bảo khẳng định, thời gian qua tình trạng đánh bắt thủy sản tận diệt trên các lòng hồ chưa phát hiện vụ việc nào. Kết quả đó là nhờ địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đánh bắt thủy sản theo quy định, không dùng vật liệu nổ hoặc xung điện, kích điện ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như nguồn thủy sản lòng hồ.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Ngoài đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thì trên lòng hồ còn là nơi trú ngụ của nhiều hộ dân, trong đó có hộ còn mở dịch vụ ăn uống, buôn bán thu mua ngay ven hồ, lòng hồ. Bởi vậy, ít nhiều tác động đến môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học lòng hồ nên cần sự vào cuộc đồng bộ và thực hiện nhiều giải pháp của các đơn vị, ngành chức năng.
Ngoài tuyên truyền, vận động nhân dân, ngư dân không xả rác bừa bãi xuống lòng hồ thì việc thu gom rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng khu vực ven hồ được các địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng nhằm tránh ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sinh thái. Đặc biệt, nhằm góp phần đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái tại lòng hồ thủy điện, những năm qua các địa phương đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tái thả nhiều loại cá, nhất là ngày rằm, mồng 1 hằng tháng nhằm tăng nguồn lợi thủy sản.
Căn cứ Giấy phép số 250/GP-BCT ngày 7-7-2021 của Bộ Công Thương về hoạt động trồng rừng bán ngập với tổng diện tích 1.038.46 ha, giao các công ty thủy điện địa bàn Bình Phước thực hiện, thị xã Phước Long được phép trồng 113 ha tại địa bàn xã Phước Tín, chủ yếu là cây tràm hoa vàng và cây gáo vàng. Dự kiến thị xã sẽ thực hiện trong năm 2023. Trong tương lai không xa, việc cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ hồ đập sẽ được thực hiện tốt, bền vững hơn.
Cùng với công tác đa dạng sinh học, bảo vệ sinh thái thì việc lấn chiếm lòng, lề hồ để xây dựng công trình trái quy định được các địa phương quản lý chặt chẽ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các hồ thủy điện, việc lấn chiếm lòng, lề hồ để xây dựng các công trình lều, trại, nhà ở trái phép không xảy ra. Qua trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định việc lấn chiếm lòng, lề hồ xây dựng công trình trái phép không xảy ra và nếu có sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Với diện tích mặt nước rộng lớn, nguồn tài nguyên vô giá cung cấp nguồn lợi thủy sản, thủy sinh phong phú nên không chỉ tạo sinh kế cho hàng trăm ngư dân mà hồ thủy điện còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút, phát triển ngành du lịch sinh thái. Bởi khi đến với hồ thủy điện, khách du lịch không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng mà còn khám phá, hòa mình vào không gian thoáng đãng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Vì vậy, ngoài đánh bắt, nuôi trồng đúng quy định thì ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân chung tay vào cuộc nhằm làm phong phú hơn nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái trên các lòng hồ.