Mưu sinh ngày cận Tết
(Báo Quảng Ngãi)- Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, nhiều lao động tự do đang mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau trong thời tiết lạnh giá, để mong có tiền trang trải dịp Tết sắp đến.
Thời tiết Quảng Ngãi những ngày cuối năm trời quang đãng hơn sau đợt mưa lạnh, nhưng cái rét vẫn thấm đẫm trên từng nẻo đường. Ngày cũng như đêm, trên khắp con phố hay hẻm nhỏ, những người lao động tự do vẫn đang tất bật mưu sinh khi Tết đã cận kề.
Ngày bình thường, chị Tạ Thị Thuyền, ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), chỉ bán vé số ở quanh khu vực mình sinh sống. Nhưng những tháng cuối năm, sáng nào chị cũng vào trung tâm TP.Quảng Ngãi để bán. Từ khi sinh ra chị Thuyền đã mắc bệnh, cơ thể không phát triển như người bình thường. “Sức khỏe kém nên tôi cũng không làm được việc nặng, chỉ đi bán vé số. Ra đây bán có thu nhập khá hơn, mong đến Tết sẽ tích góp được chút tiền gửi ba mẹ lo Tết”, kéo chiếc áo khoác mỏng manh tìm chút hơi ấm, chị Thuyền chia sẻ.
Sáng sớm, chị Thuyền nhận vé số ở đại lý, rồi nhờ người chở đến khu vực vườn hoa mini trước Bưu điện tỉnh, sau đó chị đi bán ở các quán cà phê. Đến trưa, khi đôi chân đã mỏi, chị bắc chiếc ghế nhỏ gần trụ đèn giao thông ở góc ngã tư đường Hùng Vương - Phan Đình Phùng, chờ đèn đỏ thì mời những người dừng xe mua vé số.
Chợ đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi là chợ đầu mối rau quả, thực phẩm lớn nhất tỉnh. Những ngày cuối năm, không khí ở chợ trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt hơn thường lệ. Nơi đây cũng tập trung nhiều lao động tự do, đa phần làm công việc bốc vác, chở hàng thuê. Khi những chiếc xe hàng dừng ở khu vực cổng chợ cũng là lúc những người bốc vác chạy xô đến để tìm việc. Ai cũng mong nhận được “mối” đẩy hàng để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và có một cái Tết no đủ hơn. Khuôn mặt sạm nắng, đôi tay ửng đỏ vì cái lạnh, bà Nguyễn Thị Quỳnh, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), đang cặm cụi bốc dỡ rau, củ, quả trên xe tải xuống nhập cho các hộ tiểu thương trong chợ. Những ngày gần Tết, hàng hóa về nhiều nên bà làm không hết việc. Bà Quỳnh cho biết, ngày 15, mùng 1 âm lịch hoặc dịp cuối năm hàng hóa, trái cây về số lượng lớn, cần người khuân vác nhiều hơn nên thu nhập có thể tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. “Thời tiết này bốc dỡ rau, củ, đẩy hàng cực lắm, gió lạnh làm chân tay tê cứng hết. Nhưng ai cũng phải cố gắng đẩy thêm vài chuyến hàng để lo Tết được đủ đầy”, bà Quỳnh vừa nhanh nhẹn đẩy xe hàng vừa bảo.
Tết đến, dù có bận công việc đến mấy thì bất cứ ai cũng đều mong muốn trở về với gia đình của mình. Cả nhà quây quần với nhau bên mâm cơm cuối năm. Vì vậy, nhiều người lao động nghèo nỗ lực làm việc bởi những đứa trẻ ở nhà đang mong ba mẹ đem Tết về, có khi đơn giản chỉ là vài gói kẹo, một chiếc áo mới để mặc trong dịp Tết. Vợ chồng anh Thạch Phi, quê ở Phú Yên ra Quảng Ngãi thuê nhà trọ rồi làm đủ nghề từ thợ hồ đến bốc vác, buôn bán hàng rong... “Giờ này, ông bà và 2 đứa con ở quê cũng mong lắm rồi, nhưng năm nay buôn bán ế ẩm quá nên vợ chồng ráng ở lại đến 28 tháng Chạp mới đi xe máy về Phú Yên. Ông bà già yếu hay đau ốm, còn các cháu ngày càng lớn nên phải lo nhiều thứ. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định tranh thủ mấy ngày cận Tết này kiếm thêm tiền để gửi về quê lo sắm sửa, rồi qua Tết có tiền lo cho con học hành nữa”, anh Phi nói.
Trong câu chuyện kể của mỗi người, qua ánh mắt và nụ cười của họ luôn chất chứa nỗi lo về cuộc sống của gia đình và chính mình. Với những người làm nghề tự do, dù vất vả, mệt nhọc họ vẫn phải chấp nhận gồng mình trước mưa thâm, gió bấc để kiếm đồng ra, đồng vào, trang trải cuộc sống còn nhiều khó khăn khi Tết đến, Xuân về, và xa hơn là đảm bảo cuộc sống ấm no cho gia đình.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202501/muu-sinh-ngay-can-tet-372149e/