Mưu sinh nhờ... phế liệu

ĐBP - Hàng ngày chúng ta vẫn thấy nhiều người đi thu gom phế liệu (bìa cát tông, giấy vụn, đồ nhựa, nhôm, đồng, sắt vụn) trên khắp các tuyến đường. Họ còn được gọi là những người làm nghề 've chai', 'đồng nát'... Gọi là 'nghề' vì với không ít người nó là kế mưu sinh không chỉ ngày một ngày hai, mà có khi gắn bó cả nửa đời người... Chuyện nghề, chuyện đời về họ cũng lắm nhọc nhằn...

Bà Trần Thị Mơ đã có gần 20 năm sống nhờ nghề thu gom phế liệu.

Chúng tôi đến một xóm trọ ở bản Khe Chít, phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ gặp bà Trần Thị Mơ năm nay 67 tuổi và đã có gần 20 năm sống bằng nghề “đồng nát”. 8 giờ tối, bà Mơ mới lọ mọ cùng chiếc xe đạp thồ đầy phế liệu trở về. Tháo cái nón “mê” thả xuống vỉa hè, bà bảo: “Hôm nay mua được ít nên tôi đi tìm thêm ở các thùng rác. Mùa này nắng ráo được ngày nào phải cố tranh thủ, mưa xuống ít người bán, mà đi nhặt rác cũng chẳng được bao nhiêu...”.

Gia đình bà Mơ trước ở “xóm chùa” Thanh Luông, huyện Ðiện Biên. Nhà có 4 con trai, nhưng 3 người đã chết vì ma túy, 1 người lấy vợ sống ở tỉnh xa. Chồng bà nghiện rượu lại vũ phu; từ khi người con thứ 3 chết, bà buộc phải ra thuê phòng trọ để mưu sinh. Bà Mơ chia sẻ: Mỗi ngày bắt đầu từ 7, 8 giờ sáng đến quá trưa, chiều thì phải tối hẳn mới về; bởi vì sớm hơn không ai đổ rác, bán phế liệu, và trong giờ hành chính nhiều nhà đóng cửa đi làm. Mỗi ngày đạp xe đến hơn chục cây số, bà đi khắp các tuyến đường cả thành phố và nông thôn, gặp gì mua nấy. Ðến cuối chiều, xe đầy thì về, xe vơi thì tiếp tục đi gom ở các điểm tập kết rác. Cứ 2 - 3 ngày đi thu gom, sau khi phân loại, phơi khô (nếu là giấy), sửa soạn phế liệu thật gọn gàng bà đi bán 1 lần. Trung bình, ngày nào nhiều người cho phế liệu thì thu nhập được 60 - 70 nghìn đồng, còn nếu phải mua toàn bộ thì chỉ trên dưới 50 nghìn đồng. Ði thu gom phế liệu nhiều năm, nhiều người biết hoàn cảnh của bà nên thương lắm. Có người chỉ gom lại cho chứ không bán, cũng có người gọi là cân “phiên phiến”, chẵn cân thì tính tiền, còn lẻ thì thôi. Cũng nhiều khi, họ ới bà Mơ vào còn để cho quần áo, giày dép, chăn đệm cũ... nên cuộc sống cũng đỡ phần nào.

Ðỡ vất vả hơn bà Mơ, chị Nguyễn Thị Dịu ở huyện Ðiện Biên đã làm được ngôi nhà tạm. Nhưng vì ruộng ít, sức khỏe yếu, lại còn 3 con nhỏ nên chị đã làm nghề “đồng nát” được vài năm nay. Với đồ nghề là 1 xe đạp cũ, 1 cái cân, 1 cái liềm và vài bao tải; hiếm có đường làng, ngõ xóm nào ở vùng lòng chảo chị chưa qua. Rong ruổi trên đường, vừa mua, vừa nhặt; cả ngày nắng lẫn ngày mưa; nhiều lần bị cảm chị phải cố lắm mới về đến nhà; rồi có khi lượm đồ trong thùng rác không may phải vật sắc nhọn bị thương... nhưng chị chưa khi nào có ý định bỏ nghề. Chị Dịu chia sẻ: Hôm nào mua được đồng, nhôm thì lãi nhiều hơn, còn nếu toàn bìa, nhựa thì được 50 - 60 nghìn đồng. Dẫu so với nhiều người chẳng đáng là bao, song với chị nó là nguồn thu chính để lo chuyện học hành, sách vở cho con; tiền thức ăn, thuốc uống hàng ngày, chứ ruộng chỉ đủ gạo ăn thôi...

Không khó để gặp những người làm nghề thu gom phế liệu trên khắp các tuyến đường.

Phần nhiều người làm nghề thu gom phế liệu có hoàn cảnh khó khăn và là phụ nữ. Chung hoàn cảnh nên họ đùm bọc, chia sẻ động viên nhau. Có khi chị em đi cùng nhau để tương trợ; chia sẻ mối mua hàng để đỡ đần nhau. Và để lâu dài, những người làm nghề thu gom phế liệu cũng bảo nhau giữ nguyên tắc riêng cho mình: Ai cho thì cho, chứ đã mua thì phải cân đúng; tuyệt đối không tắt mắt, không nhiều chuyện. Và tất nhiên, họ cũng bảo nhau chọn chủ để bán. “Trước tôi bán ở nhiều chỗ lắm, nhưng mấy năm nay chỉ bán cho nhà cô Lạng ở gần Sân vận động tỉnh thôi. Cô chú ấy cân đúng mà còn vui vẻ, tận tình” - chị Nguyễn Thị T. - một thành viên trong nhóm thu mua phế liệu nói.

Thu gom phế liệu là nghề mưu sinh của nhiều người. Dẫu không nhiều nhưng trong số ấy, cũng có gia đình kinh tế đã khá hơn; làm được nhà kiên cố, con cái học hành đầy đủ và mua được xe máy để làm nghề. Nói như bà Mơ, cũng có người giàu trong nghề “đồng nát”. Có xe máy, những người này chỉ đi mua chứ không nhặt. Cũng thuận lợi hơn khi nhiều quán tạp hóa lớn muốn bán cho họ, vì xe máy chở được nhiều, chở được nặng... Nói chung, nếu chăm chỉ thật thà thì dù không dư giả nhưng làm nghề cũng có thể sống được.

Là nghề lương thiện, thậm chí tác động tích cực tới môi trường khi người làm nghề thu gom phế liệu góp phần hạn chế nhiều rác thải độc hại xả ra môi trường. Song không phải ai cũng hiểu và sẻ chia với những người làm nghề khó nhọc này. Chúng tôi đã nghe nhiều người làm thu gom phế liệu chia sẻ về mình, về bạn đồng hành. Nhiều người như bà Mơ, chị Dịu... sẵn lòng để nhà báo ghi tên, ghi tuổi; nhưng cũng có người bảo “Chị chỉ tâm sự riêng thôi, chứ lên báo thì sợ các con đến trường bị trêu. Xã hội vẫn còn nhiều người kỳ thị, coi rẻ người thu gom phế liệu lắm...”.

Dẫu vậy, sẻ chia của bà Trần Thị Mơ trước lúc chia tay khiến chúng tôi chút ấm lòng: “Tôi may mắn vì gặp được gia đình cô chú Tuấn - Huệ ở Noong Bua. Ðã 8 năm nay, tôi được ở trọ mà không phải trả đồng nào, cô chú ấy còn cho nhiều thứ lắm!. Mà sắp tới chúng tôi còn được hỗ trợ tiền “cô vít” đấy (hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 - PV), thủ tục đã xong cả rồi”. Hi vọng, những người làm nghề thu gom phế liệu với bao khó khăn, thiệt thòi, thậm chí là nguy hiểm vì tiếp xúc với môi trường độc hại sẽ nhận được nhiều hơn sự sẻ chia từ cộng đồng, xã hội...

Mai Thủy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/181252/muu-sinh-nho-phe-lieu