Mưu sinh nơi phố thị
Vì mưu sinh và cả ao ước đổi đời, nhiều người dân tứ xứ đã rời xa gia đình để đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm cơ hội. Họ đi theo nhóm và mang theo những nghề nghiệp của mình để mưu sinh nơi phố thị...
Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi đến khu vực đường liên khu 4-5 Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), tình cờ gặp những người quê An Giang làm nghề bện dây mưu sinh ở thành phố đã hơn 20 năm qua. Từ những sợi dây nhựa rời rạc, ông Võ Văn Le, 63 tuổi, quê Phú Tân, An Giang, đưa từng sợi dây vào các kẽ lược, sau khi cố định chúng vào cái cào, ông lấy sức kéo cái cào vừa chạy vừa mắc dây lên các “ngựa” đặt sẵn trong sân. Mỗi sa được tính bằng một lượt chạy ra, chạy vào tổng cộng hơn 400m. Chạy xong, ông khởi động máy điện để bện các sợi dây vào nhau và cho ra lò những búi dây to, chắc chắn. Công đoạn cuối cùng là buộc các dây đã bện thành bó trước khi giao cho mối hàng.
“Cách nay 20 năm, người dân An Giang quê tôi đã đem nghề này ở quê lên thành phố mưu sinh và lập thành cả xóm như hiện nay. Nghề đã cho chúng tôi chén cơm, nuôi các con ăn học...”, ông Võ Văn Le nói.
Muốn “chạy” được dây đòi hỏi phải có mặt bằng rộng rãi, bằng phẳng. Những người trong “xóm bện dây” hùn tiền thuê khu đất trống rộng cả trăm mét vuông và dựng nhà tạm ở ngay tại chỗ. Công việc của người chạy dây bắt đầu từ 4 giờ sáng đến chiều muộn. Bình quân mỗi ngày, họ đều chạy 15-16km. Họ bảo, cực bao nhiêu cũng không sợ bằng lúc trời mưa vì không thể kéo dây... Dù tốn sức nhiều nhưng bù lại, nghề bện dây mang lại thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác.
“Thời gian đầu thấy khó, dây hay rối, gỡ mãi không được, nản lắm nhưng làm riết thành quen rồi theo nghề luôn từ đó. Mỗi ngày, gia đình bốn người bện chừng 80kg dây, kiếm được tầm 400.000-500.000 đồng”, bà Huỳnh Thị Mà, 58 tuổi, quê An Giang, chia sẻ.
Không biết tự bao giờ, khu vực trước cổng các trường đại học nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (Quận 5) và nhiều con đường khác đã hình thành “Xóm 77” (gọi theo biển số xe của tỉnh Bình Định, số 77), địa bàn của những người phụ nữ ở Bình Định vào thành phố mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn. Dù nắng hay mưa, cứ tầm 10-11 giờ hằng ngày, những đôi gánh với đủ loại bánh tráng trộn của họ đều đặn đến góc của riêng mình.
Vừa đặt gánh bánh tráng xuống vỉa hè, bà Trần Thị Hường, 67 tuổi, quê An Nhơn, Bình Định, đã có khách mua hàng. Nhanh tay chế biến bịch bánh tráng trộn với nhiều nguyên liệu có giá chỉ 20.000 đồng, bà Hường bộc bạch: “Khách ở đây đa số là sinh viên, học sinh, người lao động... Tôi thương các cháu học sinh như con cháu trong nhà, luôn bán nhiều bánh tráng ăn “bao no” cả ngày mà không tính thêm tiền. Cũng nhờ vậy mà có nhiều khách quen lắm, dù không biết tên nhưng gặp một vài lần là nhớ từng sở thích, thói quen mua hàng của khách”.
Đa số những người phụ nữ mưu sinh bằng gánh bánh tráng trộn này đều gắn bó với nghề từ rất lâu, người mới nhất cũng ngót nghét 10 năm. Bà Đỗ Thị Trinh, 65 tuổi, quê Hoài Ân, Bình Định, có gần 30 năm bán bánh tráng trộn, xoài, nem... trải lòng, bà sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Gia đình khó khăn nên năm chị em bà chỉ học biết con số, cái chữ rồi nghỉ. Lập gia đình khi vừa 20 tuổi, sau khi sinh hai con, bà theo người quen vào thành phố lập nghiệp.
“Ban đầu cũng khó khăn lắm, loay hoay tìm đủ thứ nghề từ bán vé số, nhặt ve chai..., nhưng lạ nước lạ cái, nhiều lần bị lừa hết tiền. Rồi tôi tập làm bánh tráng trộn, chế biến món ăn vặt và trụ tới ngày hôm nay”, bà Trinh nói.
Gánh bánh tráng trộn có vẻ đơn giản nhưng đã giúp bao người bán hàng rong đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Bà Hồ Thị Tư, 62 tuổi, quê Bình Định, cho biết: “Tùy theo bữa, có khi được 300.000-400.000 đồng, bữa được 500.000 đồng”.
Cũng nhờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt này mà các con bà Tư đều ăn học nên người, có nghề nghiệp ổn định. Mới đây, bà còn xây được căn nhà mới khang trang ở quê. “Các con đều muốn tôi về quê nhưng tôi bảo còn sức khỏe, cố làm được mấy năm nữa thì làm”, người phụ nữ với mái tóc đượm màu sương gió trải lòng.
Từ lâu, một số khu vực ở các quận: 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân... rải rác có những nhóm người quê ở miền trung vào ở cùng nhau rồi lập thành xóm hủ tiếu gõ. Bà Lê Thị Dậu, 57 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, nhập “xóm hủ tiếu” trong con hẻm 606 đường 3/2 (Quận 10) cũng được khá lâu. Bà Dậu kể, đã hơn nửa cuộc đời bán hủ tiếu gõ ở vỉa hè đường Lữ Gia (gần trường đua Phú Thọ, Quận 11). “Tôi bán hủ tiếu từ khi giá chỉ có 2.000 đồng/tô, nay đã lên tới 25.000 đồng/tô. Khách hàng chủ yếu là người lao động, mấy em sinh viên, cô lao công... Món ăn ấm bụng mà lại vừa túi tiền”, bà Dậu nói.
Chỉ chiếc xe hủ tiếu gõ với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc, các món, bà Dậu cho biết, đó là tất cả “cơ nghiệp” để bà mưu sinh khi ly hương.
Mưu sinh nơi phố thị, bao nhọc nhằn ở họ dường như là để dồn hết cho tương lai con cháu sáng sủa hơn...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/muu-sinh-noi-pho-thi-post717533.html