Mưu sinh ở các cơ sở thu mua phế liệu

Đối mặt với nhiều nguy cơ độc hại, song đối với những người lao động nghèo, công việc vận chuyển, phân loại tại các xưởng, cơ sở thu mua, tái chế phế liệu mang đến nguồn sống, thu nhập giúp họ có thể trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.

Đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.

Dạo vòng quanh một số tuyến đường lớn, nhỏ trên địa bàn TP Thanh Hóa, địa phương lân cận, không khó khi bắt gặp các bãi phế liệu với đầy ắp các “mặt hàng” từ bìa cát tông, ống nước, bình gas, ti-vi hỏng, quạt điện, thùng xốp đến chai lọ các loại... chất thành đống lộn xộn, nhếch nhác, bừa bãi ngay giữa khu dân cư, cạnh các quán ăn, nhà hàng... Thậm chí, để tiện đường làm ăn, các chủ cơ sở còn ngang nhiên tận dụng vỉa hè, lòng đường thành nơi tập kết phế liệu.

Bên trong các cơ sở phế liệu, không khí bụi bặm, hôi hám, một số lao động đeo găng tay, quấn khăn trùm đầu đang cặm cụi nhặt từng vỏ chai lọ, sách báo cũ, cạy từng tấm sắt, miếng đồng cho vào bao tải riêng để đưa đi nhập nơi khác. Công việc vất vả, khó nhọc, độc hại là vậy, song đối với những người lao động nghèo, trong thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm được công việc với nguồn thu nhập tuy không cao nhưng ổn định giúp họ có thêm đồng ra đồng vào, chi tiêu trong cuộc sống.

Lao động làm việc tại một cơ sở thu mua phế liệu.

Lao động làm việc tại một cơ sở thu mua phế liệu.

Ghé vào một cơ sở phế liệu hộ gia đình ông Hoàng Trọng Cường (thôn 3, xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa) hoạt động đã hơn 10 năm nay, bên trong nhà xưởng rộng khoảng 500m2 như một đại công trường với ngổn ngang phế liệu chủ yếu là nhựa, lọ chai, lon bia... Có chỗ chất cao thành đống, chạm tới tận nóc nhà. Ông Hoàng Văn Tùng, người có thâm niên gần 4 năm làm việc tại đây cho biết, do sức khỏe yếu, không có lương, bản thân không muốn phụ thuộc vào con cái nên cả hai vợ chồng ra đây làm thuê cho vựa phế liệu này. Được cái làm ở đây ngày nào mệt thì nghỉ, một ngày làm việc từ 6h sáng cho đến 5h chiều được trả công từ 150.000 – 200.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Thịnh, lao động thời vụ tại cơ sở thu mua phế liệu đóng trên địa bàn thôn 5, xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) bộc bạch, người mới đến làm công việc này thường không quen, bởi không gian bức bối, cộng thêm mùi hôi hám khó chịu, hôm trước có 2 chị thôn bên cạnh làm thử được một tuần thì xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Nhưng vì công việc không yêu cầu trình độ cao nên hầu hết những người làm ở đây từ già đến trẻ có thể làm được. Tuy vất vả, suốt ngày tiếp xúc với mùi xú uế, nhưng làm nghề này mãi thành quen, cũng phân biệt được để loại trừ, phòng tránh. Trung bình, chị Thịnh làm 5 tiếng, với mức thù lao được nhận từ 200.000 – 250.000 đồng với nhiệm vụ phân loại nhựa, sắt. Những lao động nam có sức khỏe hơn tham gia bê vác, chuyên chở, kéo các bao phế liệu về kho hoặc chất lên xe hàng.

Môi trường lao động độc hại, nhiều bụi bẩn.

Môi trường lao động độc hại, nhiều bụi bẩn.

Chủ một cơ sở phế liệu, tái chế bao bì tại Khu Công nghiệp Dân Lực (Triệu Sơn), cho biết: Do lao động chủ yếu làm việc thời vụ nay làm mai nghỉ nên họ cũng không mặn mà đến việc tham gia đóng bảo hiểm y tế, vả lại khi đến làm việc, cơ sở cũng trang bị đầy đủ các dụng cụ lao động như găng tay, ủng, nhằm đảm bảo an toàn trong công việc... Theo tìm hiểu, vì hoạt động tự phát manh mún, lao động tại các cơ sở thu mua phế liệu thường không được quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động hay các chế độ chăm sóc sức khỏe khác. Mặt khác, công việc chân tay nặng nhọc, ít có thời gian nghỉ, thu nhập ít ỏi, khiến họ gặp không ít rủi ro khi làm nghề dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại. Tuy vậy, vì những lo toan của cuộc sống nên những phận người ấy vẫn nhẫn nhịn, gồng mình lên, bỏ qua những mặc cảm, tự ti, cố gắng mưu sinh, gom góp cho cuộc sống gia đình.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/muu-sinh-o-cac-co-so-thu-mua-phe-lieu-32074.htm