Mưu sinh ở chợ hoa tết
Những ngày cận kề tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ở khắp các chợ hoa tết trên địa bàn tỉnh càng trở nên nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người bán, người mua. Ở đó có những tiểu thương trong và ngoài tỉnh đến bán hoa, cây cảnh và cả những người dân làm công việc bốc vác, trông giữ cây và chở hoa thuê theo thời vụ. Nhiều người trong số đó phải thức trắng đêm để trông giữ hoa với tất cả sự tất bật, miệt mài, vất vả mưu sinh vì mong muốn có một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình...
Trắng đêm trông giữ hoa tết
Hội chợ hoa tết và các điểm kinh doanh hoa tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh đang diễn ra nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người bán, người mua. Ở những chợ hoa trung tâm lớn được cho thuê mặt bằng đều đã triển khai chu đáo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thế nhưng, đêm đến những chủ kinh doanh hoa vẫn lo sợ hoa bị mất trộm, sợ bị đánh tráo hàng, sợ thời tiết bất thường nên phải tự thay nhau hoặc thuê người trông giữ hoa tết.
Công viên Fidel, thành phố Đông Hà có trên 70 lô mặt bằng được cho thuê để bán hoa. Nơi đây, không chỉ có tiểu thương trong tỉnh mà còn có nhiều người từ các tỉnh như: Bình Định, Khánh Hòa, Thái Bình... đến kinh doanh. Bình quân mỗi hộ bán hoa quy mô vừa đều đầu tư số vốn từ 100 - 200 triệu đồng và hàng trăm triệu đồng đối với việc kinh doanh hoa số lượng lớn, đắt tiền như mai, đào, quất. Vì thế, họ phải thay nhau thức đêm để trông coi tài sản. “Đây là năm thứ hai vợ chồng tôi mang hoa đào Nhật Tân do nhà tự trồng vào thành phố Đông Hà tham gia hội chợ hoa xuân. Năm nay, vợ chồng tôi mang vào 250 gốc đào loại to và nhỏ với giá bán từ 700 nghìn đến vài triệu đồng/ cây. Dù tình hình an ninh trật tự, điều kiện kinh doanh ở đây khá tốt và không còn bỡ ngỡ như lần đầu mới vào nhưng vợ chồng tôi vẫn thay nhau thức để trông cây, tưới nước, phòng thời tiết bất lợi làm hư hại hoa đào”, chị Lương Thị Mến (43 tuổi), ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đang kinh doanh hoa tết tại Công viên Fidel cho biết.
Ở khu vực sân vận động thị xã Quảng Trị, nhóm 3 nhân công trẻ từ 25 - 27 tuổi, vốn là người thân quen được anh Phan Minh Tịnh, ở Phường 2, thị xã Quảng Trị nhờ phụ giúp trông giữ và bán hoa mai tết. “Mấy hôm nay, sáng nào 3 anh em cũng dậy sớm tưới nước, chăm cây rồi cả ngày tiếp đón, tư vấn khách hàng đến xem, mua hoa. Đêm đến lại thay nhau thức xuyên đêm, mỗi ngày chỉ ngủ được vài giờ, chỉ mong sao hoa bán nhanh hết để anh em về còn phụ giúp gia đình đón Tết”, anh Võ Văn Nhất (26 tuổi), ở Phường 1, thị xã Quảng Trị cho biết.
Đêm về khuya, sương giăng khắp lối. Dù vắng bóng người nhưng nhiều chủ bán hoa, người làm thuê vẫn phải thức trông giữ hoa. Có người phải pha trà đặc để uống chống lại cơn buồn ngủ. Nhiều người khác tranh thủ chợp mắt trong những chiếc lều nhỏ, võng, ghế xếp. Họ thay phiên nhau mỗi người ngủ vài giờ đồng hồ cho lại sức để ngày hôm sau còn làm việc. Mới kinh doanh hoa tết năm đầu tiên nên nhóm của anh Lê Bá Khánh Bình (32 tuổi), ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong chưa quen với việc thức xuyên đêm để trông giữ hoa. Anh Bình và nhóm bạn chung nhau gần 100 triệu đồng để nhập hoa cúc về kinh doanh tại khu vực chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ) nay là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Khu vực này khá rộng lại gần các trục đường lớn nhiều người qua lại nên anh Bình và nhóm bạn phải thay nhau thức xuyên đêm trông giữ, chăm sóc hoa. “Mấy hôm nay, anh em tôi phải thay nhau thức xuyên đêm nên rất mệt mỏi. Đêm khuya trời lạnh, sương xuống nên phải căng thêm bạt. Không thức thì sợ mất hoa mà mất hoa thì lỗ vốn, tết kém vui nên đành phải gắng”, anh Bình chia sẻ.
Mong một cái tết đủ đầy
Những ngày cuối năm, tiết trời nắng ấm, các loại hoa bung nở nhiều. Để tránh cho hoa không bị héo úa, nở bung sớm, nhiều người kinh doanh hoa phải chăm sóc cẩn thận hơn. Vừa tinh mơ, vợ chồng anh Hoàng Đình Phùng (49 tuổi), chị Lương Thị Mến (43 tuổi), ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đang kinh doanh hoa tết tại Công viên Fidel đã thức dậy kéo vòi nước tưới cho hơn 200 gốc đào chưa bán được. “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi trồng 600 gốc đào Nhật Tân và để đào ra hoa đẹp đòi hỏi nhiều công phu, kỹ thuật chăm bón. Hôm nay đã 6 ngày trôi qua nhưng lô hoa mang vào mới bán được vài chục cây. Nếu thuận lợi thì ngày 28 tháng Chạp này, vợ chồng tôi lên xe về quê đón Tết. Nếu hoa bán không hết thì đành gắng đến ngày 29 tháng Chạp mới về và khi về đến nhà cũng khoảng 4 - 5 giờ sáng mùng 1 Tết. Vì cuộc sống mưu sinh nên trước lúc vào đây, vợ chồng tôi đã dặn 4 đứa con ở nhà chuẩn bị phương án đón Tết nếu bố mẹ về muộn. Bởi thế, vợ chồng tôi cũng như những hộ kinh doanh hoa tết ở ngoại tỉnh đều mong bán hoa xong sớm, có lãi để về quê đón Tết cùng gia đình”, anh Hoàng Đình Phùng tâm sự.
Với nhiều hộ kinh doanh hoa tết, họ chi ra rất nhiều thứ như đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc; tiền mua hoa (hộ chỉ kinh doanh nhưng không trồng), tiền thuê mặt bằng, tiền công và ăn uống hằng ngày cho nhân công nên ai cũng nơm nớp lo hoa không bán được hết. Đối với hoa tết thường có ít loại có thể tái sản xuất cho năm sau, đa phần còn lại đều phải vứt bỏ. Chính vì thế, không chỉ những chủ kinh doanh mà nhân công được thuê chăm sóc, trông giữ cây đều mong hoa bán nhanh hết để có thêm thu nhập. Bán nhiều hoa thì những nhân công này còn có thêm thu nhập từ việc bốc xếp, chở cây giao cho khách hàng.
Nhiều người kinh doanh, mưu sinh ở chợ hoa tết cho biết họ chưa chuẩn bị gì nhiều cho những ngày Tết bởi phải tập trung vốn liếng, sức lực vào buôn bán hoa. Tết có đủ đầy, ấm no hay không còn phụ thuộc một phần vào việc hoa bán nhiều hay ít...