Mưu sinh ở hồ nước không bao giờ cạn
Hồ Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk không chỉ phục vụ nước tưới cho hàng trăm héc ta cây trồng, mà còn tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân quanh khu vực, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong lòng hồ.
Mùa cào hến
Theo người dân địa phương, hồ Ea Kao, theo tiếng dân tộc Ê Đê nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn. Hồ Ea Kao được bao bọc bởi những cây rừng và thảm cỏ xanh mát, tạo nên khung cảnh hoang sơ, thơ mộng.
Hồ Ea Kao có diện tích mặt nước hơn 300ha. Hồ được hình thành bởi việc chặn dòng suối Ea Knin, Ea Kao và một số suối nhỏ, nhằm phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Đặc biệt, hồ còn mang lại nguồn lợi thủy sản lớn, tạo kế sinh nhai cho hàng trăm người đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng từ việc bắt hến, đánh bắt, săn cá khủng đến các hoạt động vui chơi, giải trí.
Ông Y Cưu Bkrông (53 tuổi), ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao chia sẻ: "Năm nào hồ Ea Kao vào mùa nước cạn, gia đình tôi cũng đến đây bắt hến bán để kiếm thêm thu nhập. Năm ngoái, mỗi ngày, vợ chồng tôi bắt được cả tạ hến, kiếm tiền triệu, năm nay hến ít hơn, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Công việc bắt hến tuy vất vả, nhưng mùa khô, việc nương rẫy an nhàn, cũng không có người thuê đi làm thì bắt hến mang lại nguồn thu nhập chính của vợ chồng tôi".
Từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch, Tây Nguyên cao điểm mùa khô, cư dân sống quanh hồ Ea Kao vào mùa cào hến. Mỗi ngày, hàng chục người ngâm mình dưới nước dùng các dụng cụ để cào, bắt hến dưới lòng hồ. Cũng nhờ việc cào, bắt hến ở hồ Ea Kao, chị H’Rớt Knul, ở buôn Kao, xã Ea Kao có thêm thu nhập. “Vào mùa nước cạn, mỗi ngày cào hến, tôi kiếm được 130-150 nghìn đồng. Số tiền không lớn nhưng cũng có thêm kinh phí để tôi trang trải cuộc sống, nuôi hai con nhỏ ăn học” - chị H’Rớt chia sẻ.
Thu nhập ổn định từ nghề đánh bắt cá
Ngoài mùa cào hến khi nước hồ cạn, hồ Ea Kao cũng là nơi nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt cá. Đêm đến, ngư dân quanh hồ thả lưới, thức thâu đêm để kịp chợ sáng.
Hơn 10 năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ Ea Kao, ông Hoàng Đức Long, thôn Cao Thắng, xã Ea Kao chia sẻ: "Trừ những ngày mưa to, gió lớn, đêm nào tôi cũng giăng lưới trên hồ bắt cá. Dù bắt được ít hay nhiều thì 4 giờ 30 phút sáng, tôi cũng thu lưới về để vợ mang ra chợ bán. Suốt những năm hành nghề, có một lần, tôi bắt được cá trắm đen nặng 20kg, có lẽ đó là lần may mắn nhất. Việc mưu sinh trên hồ không dễ dàng, nguồn thu không cố định, có đêm, tôi bắt được 10-20kg các loại cá rô phi, cá mè, các chép..,. nhưng cũng có đêm chỉ được vài kg. Song nhờ việc đánh bắt cá hồ, mỗi ngày, tôi cũng kiếm được 200-300 nghìn đồng, những đêm may mắn được 500 nghìn đồng".
Để bắt được nhiều cá, ông Nguyễn Văn Thịnh, ở thôn 1, xã Ea Kao không chỉ dùng thuyền, mà còn đầu tư đặt mua phụ kiện chế tạo vó đánh bắt chuyên nghiệp. Nghề đánh bắt cá trên hồ đã trở thành công việc chính của ông suốt nhiều năm qua. “Thời đầu, tôi dùng chiếc thuyền nhỏ tự đóng chèo ra giữa hồ thả lưới, mỗi ngày thu vài chục cân cá các loại. Mấy năm nay, tôi đầu tư vó đánh bắt, tôi có thể bắt được hàng tạ cá mỗi ngày” - ông Thịnh cho biết.
Hồ Ea Kao không chỉ là nơi mưu sinh của người dân khu vực, mà còn là điểm thư giãn thú vị và thỏa mãn thú chơi câu cá của nhiều cần thủ xa gần. Cần thủ Nguyễn Văn Bình, ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Câu cá không chỉ giúp thư giãn, mà còn rèn luyện cho con người tính nhẫn nại, tỉ mỉ và cánh làm việc khoa học. Chính những lúc đi câu là thời gian tĩnh tâm nhất. Lúc đó, người ta có đủ tỉnh táo để suy nghĩ về cuộc sống, công việc và những mục tiêu phấn đấu. Vì thế, nhiều năm nay, có thời gian rảnh rỗi, tôi lại chạy xe máy chở đồ đạc hơn chục cây số đến hồ Ea Kao thỏa mãn đam mê câu cá". Có nhiều người còn mang theo đồ ăn, thức uống, dựng lều câu cá cả ngày lẫn đêm bên hồ Ea Kao để săn cá khủng. Cách đây không lâu, anh Trương Đạt, ở thành phố Buôn Ma Thuột bắt được con cá trắm đen nặng 36kg, dài 1,5m.
Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: "Hồ Ea Kao đã góp phần rất lớn giải quyết việc làm, có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bắt hến, đánh bắt cá mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân. Để bảo vệ nguồn thủy sản hồ Ea Kao, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân không sử dụng kích điện để bắt cá. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng kích điện để bắt cá hồ".
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/muu-sinh-o-ho-nuoc-khong-bao-gio-can-post477653.html