Mưu sinh trong đêm

Lầm lũi dọn hàng tại các góc đường quen, những người kiếm sống nơi hè phố trong đêm ở Sài Gòn nép mình vào các con phố phồn hoa, hay len lỏi những nơi náo nhiệt. Công việc mưu sinh của họ chỉ kết thúc khi ngày mới bắt đầu.

Anh Ba Thạnh bán các món chân gà nướng, bạch tuộc nướng, mì xào bò... để kiếm sống. Ảnh: T.G

Anh Ba Thạnh bán các món chân gà nướng, bạch tuộc nướng, mì xào bò... để kiếm sống. Ảnh: T.G

Nhọc nhằn đếm nhịp thời gian

Ngày nào cũng vậy, đi làm từ 14 – 15 giờ chiều đến khi các con phố huyên náo chìm hẳn trong màn sương yên tĩnh, anh Nguyễn Phúc Ánh (52 tuổi, quê Vĩnh Long) bán nước giải khát ở góc vòng xoay hồ con Rùa, đoạn đường Trần Cao Vân (quận 3, TPHCM) mới trở về nhà ngủ.

Cũng như nhiều người mưu sinh trong đêm, anh Phúc Ánh có hơn 30 năm “trong nghề”, từ lúc còn lẽo đẽo theo bố mẹ bán hàng ăn ở ven đường để kiếm sống, đến khi lập gia đình vẫn bám trụ với công việc này. Hằng ngày, hai vợ chồng anh bán được 100 - 150 ly nước. Ngày nắng đông khách có thể bán tới 200 ly, đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 đứa con ăn học.

Cũng theo anh Ánh, buôn bán ở xung quanh đây toàn anh em trong gia đình bên vợ. Trước đây, gia đình vợ cũng khó khăn, lại đông anh em rất vất vả. Giờ nhờ buôn bán, cuộc sống dễ thở hơn.

“Bán hàng nước gặp mùa mưa là thua, những người mưu sinh hè phố như chúng tôi chỉ có mong trời nắng để có việc làm. Công việc cũng cực lắm vì khi công an phường hay quản lý đô thị đi kiểm tra là mạnh ai người ấy chạy. Trước đây, bán không lấy tiền trước nên nhiều khi bỏ chạy mất luôn tiền nước, thậm chí cả cốc lẫn ghế ngồi. Giờ rút kinh nghiệm, phải thu tiền trước cho chắc ăn”, anh Ánh nói.

 Màn biểu diễn phun lửa ở khu phố Tây - Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: T.G

Màn biểu diễn phun lửa ở khu phố Tây - Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: T.G

Phận người trong đêm

Chỉ cho chúng tôi người đàn ông đang làm đồ ăn cho khách, anh Phúc Ánh cho biết, đó là anh Ba Thạnh (anh vợ) mới ở Đắk Lắk xuống buôn bán hơn tháng nay. Ở quê, công việc chính của anh Thạnh là làm ruộng nhưng năm nay hạn hán kéo dài nên mất mùa, không có gì để ăn, phải về Sài Gòn buôn bán cùng các anh chị em để kiếm sống qua ngày. Thằng nhỏ con anh mới học lớp 5 cũng phải nghỉ học, theo cha bán hàng đến 2 giờ sáng mới về nhà.

Anh Thạnh cho biết: “Tôi đi bán từ 15 giờ chiều đến 2 đến 3 giờ sáng mới được về nghỉ ngơi. Con cái không được học hành đầy đủ, nghĩ thấy thương nên mình ráng làm để kiếm tiền tích cóp, hy vọng sang năm khá hơn sẽ gửi con về ở với bà nội và cho đi học lại”.

Tại điểm vui chơi khu phố Tây - Bùi Viện (quận 1), càng về khuya không khí thêm phần náo nhiệt, bởi lượng khách du lịch đổ về càng lúc càng đông. Cùng với đó, những người bán hàng rong dường như tề tựu đông đủ và ra sức mời chào.

Đủ loại thức ăn đường phố, nào xoài lắc, hoa quả dầm, bò viên chiên đến gánh hủ tiếu... phục vụ thượng đế. Mỗi người một phương tiện, họ len vào các góc phố, con hẻm để mưu sinh. Tiếng nhạc, tiếng rao bán hàng, hay tiếng hò reo tán thưởng màn biểu diễn phun lửa và nuốt than của các em nhỏ khiến cả khu phố Tây càng sôi động về đêm.

Nguyễn Hoàng Ngọc Vũ (19 tuổi) biểu diễn phun lửa cho biết: Em biểu diễn ở đây đã hơn 1 năm. Hằng ngày, đi làm từ 19 giờ đến 2 giờ sáng mới về nhà, mỗi đêm đi biểu diễn cũng kiếm được khoảng 300 đến 400 nghìn đồng, hôm vắng thì chỉ được 200 nghìn đồng. “Nhiều lúc biểu diễn lửa bén cả vào mặt bị bỏng, có khi cháy rát cả mặt, nhưng một phần vì đam mê và phải kiếm tiền trang trải cuộc sống vẫn phải đi diễn”, Vũ nói.

Nhìn 2 anh, em Hoàng Bảo (13 tuổi) và Hoàng Nam (9 tuổi) mặt đen thui vì ám khói, bụi than sau màn biểu diễn ngậm xăng phun lửa, mọi người ai cũng thương. Chị Nguyễn Thị Lý, mẹ của Bảo và Nam cho biết: Không nhà cửa, gia đình sống tạm ở chợ xóm Chiếu (quận 4). Hằng ngày, chị cùng 2 con đi bán vé số, còn chồng bán trái cây ở chợ.

Để kiếm thêm thu nhập, cứ khoảng 18 giờ, 2 anh, em Nam được mẹ dẫn đi khắp các con phố để biểu diễn các màn “mạo hiểm” ngậm xăng phun lửa... có khi gần 2 giờ sáng mới về ngủ. Chị Lý tâm sự: Gia cảnh khó khăn, không có giấy tờ tùy thân, các con chị đều không được đi học. “Khi thấy mọi người làm các tiết mục phun lửa, 2 anh em Nam cũng đòi tự học theo và đi biểu diễn, ngày cũng được 200 đến 300 nghìn đồng phụ nuôi các em”, chị Lý kể.

Sài Gòn về đêm vẫn rực rỡ ánh đèn. Có những người lục đục trở về nhà sau cuộc vui. Nhưng đâu đó là cảnh đời cơ cực, bỏ quê lên phố kiếm kế sinh nhai. Với họ, một gánh hàng rong, xe hủ tiếu gõ hay mẹt hàng hoa quả bày bán nơi góc phố, bán dạo… nếu chăm chỉ đủ giúp gia đình có đồng ra đồng vào, lo cho sắp nhỏ và mơ về tương lai.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/muu-sinh-trong-dem-4048252-b.html