Mưu toan đằng sau những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt
Lâu nay, 'nhân quyền' là con bài mà các thế lực thù địch, thiếu thiện chí thường sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội nhằm từng bước thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Cho rằng chỉ có thông qua “dân chủ”, “nhân quyền” mới có thể làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phá bỏ được nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, các thế lực chống đối tiến hành nhiều thủ đoạn nguy hiểm. Trước hết, chúng xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đàn áp “những người bất đồng chính kiến”.
Một số người tự cho mình là “đấu tranh cho nhân quyền” nhưng thực chất vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý thì các thế lực này gọi là “tù nhân lương tâm”. Từ đó, chúng yêu cầu Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự, sửa đổi Bộ luật Hình sự và trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”…
Đi liền với xuyên tạc, nói xấu Việt Nam, chúng ra sức tuyên truyền, cổ súy, cường điệu hóa, tuyệt đối hóa các giá trị phổ quát về quyền con người theo mô hình của phương Tây. Chúng lập luận rằng “quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia”, “quyền con người không biên giới” để khuyến khích những hành động bất hợp pháp, tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Chúng cho rằng việc tồn tại nhiều đảng phái chính trị là tiêu chí duy nhất của dân chủ, cáo buộc rằng chế độ độc đảng là trở ngại lớn nhất trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, các thế lực này luôn tìm cách lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc trong xã hội để lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Chúng khai thác các vấn đề về lịch sử, đất đai, lợi dụng cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để vu cáo Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử”, “đàn áp người dân tộc thiểu số”, ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ văn hóa dân tộc”, “hòa nhập với cuộc sống văn minh” của người Kinh…
Ngoài trực tiếp gây sức ép với Việt Nam, các thế lực chống đối còn tìm cách tác động tới Quốc hội Mỹ và một số nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên…với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo.
Điển hình như Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Mỹ, Anh, Australia; Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu; các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức ân xá quốc tế (AI)...
Không dừng ở việc xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu, các thế lực thù địch, chống đối ngày càng sử dụng “dân chủ”, “nhân quyền” như điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng tìm cách gắn vấn đề viện trợ với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đòi Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo kiểu phương Tây thì mới mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế.
Thông qua các buổi điều trần, họp báo, hội thảo của Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu để gây sức ép buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tôn giáo”.
Nhờ sự ủng hộ, hậu thuẫn của các thế lực này, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đã nhen nhóm tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước”, ra sức tuyên truyền về vai trò của các tổ chức dân sự trong xã hội, qua đó thúc đẩy sự ra đời của các khuynh hướng dân chủ cực đoan, hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp, tập hợp lực lượng hình thành các hội nhóm chống chính quyền, tiến tới hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Có thể kể ra ở đây những cái gọi như “Đảng dân chủ nhân dân”, “Tổ chức 8406”, “Hội kêu oan”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội nối vòng tay lớn”, “Tổ đồng thuận”...
Trong vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập Nhà nước riêng như “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc... Thậm chí chúng kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội như đã từng xảy ra ở Tây Nguyên, Điện Biên.
Có thể nói, hành động chống phá của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí này ít nhiều cũng đã gây ra sự phân tâm, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với những người thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, làm suy giảm niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.
Chính vì thế, bên cạnh việc khẳng định lập trường nhất quán, trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta về phát huy quyền dân chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực, nỗ lực cải thiện, bảo vệ quyền con người, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, vạch rõ những thông tin thêu dệt, bịa đặt, bóp méo sự thật về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam. Không thể để các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để phá Việt Nam.
Bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người đi đôi với việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi người dân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân. Đảng, Nhà nước đã và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người đi đôi với việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ của nhân dân trên cơ sở pháp luật. Đẩy mạnh xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Công tác đấu tranh phòng, chống những hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền luôn đi cùng với việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người dân trên cơ sở pháp luật; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển ổn định ở trong nước, tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này.
Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lịch sử văn hóa truyền thống và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Mục tiêu cao nhất mà hệ thống pháp luật Việt Nam hướng tới là bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Mọi công dân sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay trình độ đều bình đẳng trước pháp luật.
Thực tế khẳng định, bảo đảm cho mọi người dân được hưởng các quyền của mình và có cơ hội phát triển toàn diện, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội… là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực hướng tới.
(Còn nữa)