Mưu trí diệt ác ôn, bảo vệ dân
Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.
Anh hùng, liệt sĩ Trần Công Tiện, sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê ở thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhập ngũ tháng 4-1948, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi hy sinh, anh mang quân hàm Đại úy, công tác tại Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha mẹ, anh chị em đều tham gia kháng chiến, năm 1934 (tròn 14 tuổi), Trần Công Tiện tham gia cách mạng, làm giao liên, gây cơ sở bí mật. Bước qua tuổi 16, Trần Công Tiện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục hoạt động bí mật. Từ năm 1942 - 1945, anh bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Trị. Trong tù, Trần Công Tiện luôn kiên trung, bất khuất, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Sau Cách mạng tháng Tám, anh được điều về đơn vị chủ lực ở mặt trận Lào. Năm 1946, Trần Công Tiện về làm Công an xã và tham gia phong trào cách mạng ở địa phương.
Tháng 2-1947, trận đầu tiên Pháp càn về vùng Chợ Cạn, anh một mình dũng cảm, mưu trí diệt 1 tên địch. Sau trận chống càn này, Trần Công Tiện được cử làm Đội trưởng Công an xung phong thuộc Ban điệp báo Ty Công an Quảng Trị.
Tháng 2-1948, Trần Công Tiện chỉ huy Tổ Công an xung phong, cải trang đột nhập vào huyện lỵ Triệu Phong, diệt tên Chi trưởng an ninh. Anh còn phối hợp với du kích, ban đêm đột nhập bắn bọn lý trưởng, hương vệ ở Đại Lộc, An Lộng, Dương Lộc... Có lần, Trần Công Tiện hóa trang đột nhập vào chợ Diên Sanh giữa ban ngày, diệt tên Ðồn trưởng hương vệ tại chỗ và rút ra an toàn.
Đầu năm 1953, Trần Công Tiện chỉ huy Tổ Công an xung phong phục kích diệt tên Đồn trưởng Bích Khê, buộc cả đồn ra hàng. Tháng 5-1953, anh chỉ huy tổ phục kích tại Chợ Sãi đốt 1 chiếc xe Jeep của an ninh địch ở Triệu Phong. Năm 1954, Trần Công Tiện tổ chức cho anh em diệt tên Đồn trưởng Triệu Phước - một tên phản bội rất hung ác.
Tháng 8-1954, Trần Công Tiện tập kết ra Bắc theo Ty Công an. Vốn tha thiết với công tác vũ trang, anh được chuyển qua Đại đội 2 Công an giới tuyến và hoạt động trên khu vực giới tuyến.
Năm 1958, Trần Công Tiện chỉ huy Phân đội 3 trinh sát vũ trang mở đường lên miền Tây tìm dân, tìm đất, giúp đồng bào xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tập cày, tập cấy, sản xuất lương thực, thực phẩm ổn định vùng giải phóng. Những năm 1962 - 1963, Trần Công Tiện hoạt động tại vùng Ba Trăng, Cam Lộ và các xã miền Tây Gio Linh, trực tiếp lãnh đạo Phân đội 3 trinh sát vũ trang Vĩnh Linh, Quảng Trị nắm tình hình địch, tổ chức diệt ác ôn, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh phá ách kìm kẹp.
Đêm 15, rạng ngày 16-10-1964, nắm chắc tình hình, Trần Công Tiện tổ chức phân đội đột phá khởi nghĩa ở thôn Thiện Chánh, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vừa truy đuổi diệt bọn tay sai của Mỹ, vừa tuyên truyền, giác ngộ cho nhân dân đứng lên lật đổ ách kìm kẹp của địch, giành chính quyền.
Địch đưa một tiểu đoàn biệt động quân tổ chức phản công bao vây thôn Thiện Chánh. Trần Công Tiện tổ chức triển khai lực lượng chiến đấu quyết liệt, bảo vệ cán bộ Tỉnh ủy, Huyện ủy Cam Lộ rút lui.
Để ghi nhận công lao, đóng góp của Anh hùng, liệt sĩ Trần Công Tiện, ngày 30-7-2009, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ra Nghị quyết số 20/2009/NQ-HĐND về việc đặt tên đường tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong và đặt tên, điều chỉnh tên đường, phố, công trình công cộng tại thị xã Quảng Trị, trong đó có việc đặt tên đường mang tên Anh hùng, liệt sĩ Trần Công Tiện.
15 giờ, ngày 16-10-1964, địch cho một chi đoàn xe tăng M.113 và máy bay lên thẳng đến tăng viện. Phải đối đầu với lực lượng quân địch đông gấp nhiều lần, được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, Trần Công Tiện vừa trực tiếp chiến đấu, vừa động viên, chỉ huy đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào quần chúng trong những năm sau đó. Trần Công Tiện là chỉ huy, đồng thời là người trực tiếp chiến đấu giữ vững trận địa và đã anh dũng hy sinh.
Khi còn sống, Trần Công Tiện là người có đức tính trung thực, khảng khái, luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội, được mọi người tin yêu, mến phục.
Ngày 3-8-1995, đồng chí Trần Công Tiện được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/muu-tri-diet-ac-on-bao-ve-dan-post429337.html